Đường ra cánh đồng chuối Nam Mỹ tại huyện Đăk Đoa (Gia Lai). |
Sau nhiều năm cà phê, hồ tiêu, caosu… những loại cây nông nghiệp chủ lực liên tục rớt giá khiến doanh nghiệp và người nông dân Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm loại cây mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với chất đất, khí hậu cao nguyên đang là vấn đề trăn trở, thiết yếu.
Hai doanh nghiệp tiên phong trồng giống chuối mới có nguồn gốc từ Nam Mỹ bước đầu mang hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và đạt doanh thu triệu đô.
Dưới chân núi Hàm Rồng (TP Pleiku), dọc theo cánh đồng điện gió Ia Pếch, nông trường ở xã Hneng, Kon Gang, Ia Băng (huyện Đăk Đoa)… trải dài ngút ngàn màu xanh của cây chuối.
Sau dịch bệnh COVID-19, nhiều công nhân địa phương đã không còn nghĩ đến việc quay trở lại miền Nam làm việc, họ nộp đơn xin vào làm tại nông trường trồng chuối, khai thác, sản xuất chuối xuất khẩu.
Sơ chế chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. |
Ông Nguyễn Quang Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Sơn - một trong hai đơn vị phát triển giống chuối mới cho biết: “Chúng tôi sang Philippines, Nam Mỹ, Trung Quốc…thấy người ta trồng chuối bạt ngàn, cả tỉnh người dân đều trồng chuối, có nông trường chuối dài hơn 100 cây số” nên nghĩ đến việc đưa giống chuối mới này về Gia Lai.
Giống chuối Nam Mỹ được nhập về để trồng trên đất Gia Lai, nhiều nơi thay thế cho cây mít thái, sầu riêng, bơ… Khí hậu cao nguyên trong lành, ít mưa bão, đất đỏ bazan màu mỡ, diện tích lớn đã mau chóng phủ nhanh màu xanh của cây chuối.
Khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp nói trên đã xuất khẩu hàng ngàn tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Mỹ… Nhu cầu tiêu thụ chuối lớn, chuối là loại hoa quả được ưa chuộng tại nhiều nước nên giúp các doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao.
Lợi nhuận hấp dẫn nhưng việc trồng chuối Nam Mỹ không hề đơn giản, người nông dân Gia Lai có nguồn đất đai chưa chắc đã trồng được giống chuối này. Bởi vì các kỹ thuật nuôi cấy giống, chăm sóc, khai thác, bón phân đều phải có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp giám sát.
“Bã mía, tro mía, phân bò, cây chuối khô... được ủ lại tạo thành phân hữu cơ. Sau đó, kỹ sư phải gửi mẫu phân vào các trung tâm, viện nghiên cứu phân tích các hàm lượng dinh dưỡng cần thiết, sau đó công nhân mới dùng để bón phân quy mô lớn trên cánh đồng chuối”, ông Nguyễn Quang Anh nói.
Vùng chuối Nam Mỹ trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Theo các chuyên gia, để ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển, cần thiết phải có vùng nguyên liệu, quy hoạch những loại cây chủ lực, thị trường tiêu thụ bền vững. Quan trọng hơn, việc trồng chuối phải có diện tích lớn hàng trăm, hàng nghìn ha và có nguồn nước để tưới tiêu, không thể trồng chuối theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ truyền thống.
Doanh nghiệp cũng có thể liên kết với người nông dân có đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối, bao tiêu sản phẩm và cùng đồng hành chia sẻ lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương, phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Quang Anh cho biết thêm: Chuối là loại cây trồng rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai. Cách đây 10 năm, tôi cũng đã đầu tư lĩnh vực này ở Campuchia. Tuy nhiên, vận chuyển sản phẩm về các cảng để xuất khẩu thì quá xa, tốn nhiều chi phí. Vì vậy, Công ty đã khảo sát và thấy Gia Lai là vùng rất thích hợp để trồng loại cây này.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đất chủ yếu do nông dân sở hữu, nên liên kết là cách mà đôi bên cùng có lợi”, ông Quang Anh cho hay.
Cây chuối Nam Mỹ từ cây lạ đã dần tìm được vị thế trên vùng đất Gia Lai, nhưng những trăn trở vẫn còn đó. Bởi không ít những cây trồng đã có thời hoàng kim trên vùng đất này rồi mai một. Bài toán phát triển vùng chuối bền vững cần được tìm lời giải ngay từ khi cây chuối còn "chân ướt chân ráo" đến Gia Lai./.