Hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ qua cảng biển Việt Nam đứng thứ 2 châu Á Bưởi Diễn trồng ở Hòa Bình lần đầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ thu 97 tỷ USD |
Dự báo xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2025 sẽ bị tác động ra sao dưới thời Tổng thống Donald Trump? |
Dự báo những thay đổi lớn về chính sách thương mại
Sự trở lại của ông Donald Trump trong vai trò Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47 được cho là sẽ mang đến những thay đổi lớn về chính sách thương mại.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, chính quyền mới có thể thúc đẩy xu hướng bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn, tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí đảo chiều các chính sách thương mại toàn cầu.
Cùng đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ xem xét sớm áp dụng biện pháp truyền thống như tăng thuế điều tra, áp dụng đạo luật thương mại 1974, tăng thuế mở rộng với các quốc gia liên quan nhằm hạn chế khả năng chuyển tải của Trung Quốc.
Năm 2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đã đối mặt với 10 vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại. Tình hình có thể trở nên phức tạp hơn vào năm 2025, với khả năng Hoa Kỳ triển khai các biện pháp như áp dụng đạo luật thương mại 1974, tăng thuế đối ứng...
Trong bối cảnh Hoa Kỳ có xu hướng siết chặt thặng dư thương mại, việc thực hiện cân bằng cán cân thương mại trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với Việt Nam. Năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 102 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia bị giám sát chặt chẽ nhất về thương mại.
Cần có các chiến lược đồng bộ
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ. |
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2025 là câu chuyện của triển vọng song hành cùng thách thức. Để duy trì đà tăng trưởng và đạt được những mục tiêu chiến lược, Việt Nam cần có các chiến lược đồng bộ, từ việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và giải quyết hiệu quả những thách thức từ chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam hoàn toàn có thể mở ra một chương mới đầy triển vọng trong hợp tác kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Miguel A. Ferrer - CEO Công ty Công nghệ VloT - nhận định rằng, sự cạnh tranh từ các nước như Mexico, Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, chi phí logistics cao, các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, cùng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đặt ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước tình hình này, một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng khác. Điều này không chỉ giúp đảm bảo sự cân bằng trong thương mại mà còn giảm thiểu rủi ro trước những biến động kinh tế và chính sách từ phía Hoa Kỳ.
Ngoài ra, gia tăng giá trị sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ và sáng tạo là yếu tố cốt lõi để duy trì sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững đang lên tại Hoa Kỳ.
Hiện đại hóa chuỗi cung ứng cũng đóng vai trò thiết yếu. Việc tối ưu hóa logistics thông qua số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh lớn hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2024 là 112 tỉ USD. Thặng dư thương mại Việt Nam sang Mỹ là 102 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico về thặng dư thương mại với Mỹ, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu khối các nước ASEAN sang Mỹ.
Vì vậy, ông Hưng cho rằng việc thực hiện cân bằng cán cân thương mại hài hòa bền vững cùng có lợi ngày càng trở nên cấp bách. Trong đó Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cam kết về mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, thể hiện cam kết của ta trong duy trì quan hệ thương mại và đầu tư.
"Quan điểm của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump là đang quay về lĩnh vực năng lượng truyền thống, đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về năng lượng. Vì thế, chúng ta vẫn còn dư địa để hợp tác với Mỹ về năng lượng, khai thác đất hiếm, giúp cho quan hệ kinh tế thương mại đi vào chiều sâu" - ông Hưng nhận định.
Vì vậy, ông Hưng khuyến nghị trước mắt cần đặc biệt giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, lưu ý đạo luật lao động, tránh nguy cơ điều tra.