Thời điểm sau Tết là thời điểm xốc lại tinh thần sau kỳ nghỉ dài, thời điểm bắt đầu các hoạt động sống và làm việc của mọi người, do đó cũng là thời điểm hoàn hảo để người mỡ máu cao xem xét và thiết lập lại lối sống và khởi động lại các chế độ ăn tốt cho cơ thể với người mỡ máu cao.
Không tiêu thụ quá nhiều đường
Ngày Tết nhiều bánh mứt kẹo, đa phần chúng ta đều đã tiêu thụ lượng đường vượt quá mức cho phép. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người bị mỡ máu.
Hầu như tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị rối loạn chuyển hóa Lipid hoặc tăng mỡ máu đều có mối quan tâm rất lớn tới lượng đường trong các sản phẩm ăn uống.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo thì mỗi người không nên ăn quá lượng đường tương đương 6 - 9 thìa cà phê mỗi ngày. Nhưng trên thực tế phần lớn chúng ta đều tiêu thụ nhiều hơn con số này.
Đường tinh luyện có thể được bắt gặp trong bất kỳ sản phẩm đồ uống, đồ ngọt, nước ép trái cây mà ta hay thấy bày bán hàng ngày. Khi cơ thể phải hấp thụ quá nhiều đường, số đường dư thừa còn lại sẽ được phân giải thành triglyceride. Đây là một loại chất có khả năng làm mỡ trong máu gia tăng và ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu người bệnh cắt giảm lượng đường tinh luyện hàng ngày đồng thời có một chế độ ăn hạn chế carbohydrate thì sẽ giúp làm giảm nồng độ mỡ trong máu. Không những vậy, chỉ đơn giản là thay thế nước ngọt bằng việc tăng cường uống nước lọc thì chỉ số mỡ máu đã có thể giảm xuống còn 29 mg/dL(~ 0,33 mmol/L).
Chế độ ăn ít carbohydrate
Có thể nói thực đơn ngày Tết luôn là “siêu carbonhydrat” với những bánh chưng, bánh tét, cơm bún miến và bánh mứt kẹo.
Tương tự như đường, khi nạp vào cơ thể thì lượng carbohydrate dư thừa cũng sẽ được chuyển thành triglyceride, đồng thời đọng lại trong các tế bào mỡ, làm gia tăng nguy cơ sức khỏe cho người bị mỡ máu cao. Chính vì thế hạn chế carbohydrate là một cách giúp làm giảm mỡ trong máu rất hiệu quả.
Môt nghiên cứu được thực hiện vào năm 2006 đã cho kết quả những bệnh nhân áp dụng một thực đơn ít carbohydrate (là loại carb có trong đường và ngũ cốc đã qua tinh chế) thì có nồng độ mỡ máu giảm hơn nhiều so với những người ăn nhiều carbohydrate hơn trong một bữa ăn.
Bổ sung nhiều chất xơ
Như chúng ta đã biết, trong các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh,các loại đậu,... chứa nhiều chất xơ. Loại chất này có tác dụng làm giảm sự hấp thu đường và các chất béo trong hệ tiêu hóa, đồng thời giúp hạn chế mỡ máu.
Có một thí nghiệm được tiến hành với mục đích xác định tác động của chất xơ đối với mỡ máu, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là người tham gia cần thử nghiệm một thực đơn ăn ít chất xơ, sang tới giai đoạn 2 thì ăn tăng cường chất xơ trong bữa ăn hàng ngày.
Kết quả thu được rất đáng ngạc nhiên đó là: sau 6 ngày ăn ít chất xơ, nồng độ mỡ trong máu của họ tăng tới 45%. Tuy nhiên sau khi áp dụng một thực đơn giàu chất xơ thì nồng độ mỡ máu giảm hẳn xuống mức cơ bản.
Không nên ăn nhiều các chất béo dạng trans
Đây là loại thực phẩm sản xuất công nghiệp đã bị loại bỏ nhiều chất dinh dưỡng có lợi và là thủ phạm gây tăng mỡ máu. Một số loại thực phẩm có chứa chất béo dạng trans không tốt cho sức khỏe phải kể đến bao gồm:
Đồ ăn nhanh: khoai tây chiên, pizza, gà rán;
Các loại bánh: cookies, bánh cracker, bánh gato, bánh ngọt, bánh nướng,...;
Thực phẩm chế biến sẵn: snack, bắp rang bơ, mì ăn liền;
Đồ chiên rán sử dụng nhiều dầu mỡ: bánh chuối, bánh khoai, bán rán, bánh bột mì,...;
Các loại bơ thực vật bao gồm dạng đựng trong chai và dạng được chiết xuất thành thỏi.
Có thể dễ dàng thấy được những thực phẩm này đã được tiêu thụ đáng kể trong thực đơn của các gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, khiến những người mỡ máu cao dù có tự ý thức kiêng khem cũng khó tránh được một vài lần “nhỡ miệng” sử dụng. Vậy nên việc quan trọng khi khởi động lại kế hoạch ăn uống là cầ loại bỏ các chát béo này ra khỏi thực đơn.
Thay thế mỡ động vật bằng các loại chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như quả bơ, các loại hạt hay dầu olive (còn được gọi là chất béo không bão hòa đơn), và dạng thứ hai là chất béo không bão hòa đa (có trong cá nhiều dầu).
Do đó hãy tăng cường bổ sung vào chế độ ăn các loại cá nhiều dầu như cá mòi, cá trích, cá hồi, cá ngừ,... và dùng dầu olive để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Bổ sung các loại hạt
Một số loại hạt như hạt óc chó, hạt bồ đào, hạt điều, hạt hạnh nhân, macca, hạt dẻ cười,... cung cấp một nguồn acid béo, chất xơ và omega - 3 dồi dào. Bên cạnh đó chúng còn chứa một lượng lớn chất béo không bão hòa không chỉ hỗ trợ làm giảm nồng độ mỡ máu mà còn đem lại vô vàn các lợi ích khác cho sức khỏe.
Hạn chế dùng nhiều rượu bia
Ít ai biết rằng trong rượu chứa một hàm lượng đường và năng lượng rất cao. Nếu nguồn năng lượng này sau khi vào cơ thể mà không được tiêu hao thì sẽ chuyển hóa dần thành triglyceride và xâm nhập vào các tế bào mỡ.
Việc tiêu thụ rượu dù chỉ ở mức độ trung bình cũng có thể khiến cho nồng độ mỡ máu tăng cao lên đến 53%, ngay cả trong trường hợp nồng độ mỡ máu trước đó vốn ở mức bình thường.
Do vậy, tốt hơn hết nên chỉ sử dụng rượu bia một cách đúng mức, không nên lạm dụng quá nhiều sẽ mang lại ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch cũng như nhiều hệ lụy khác cho bản thân, gia đình và xã hội.
Vận động đều đặn
Ngoài việc áp dụng thực đơn cho người mỡ máu, mỗi người cũng cần chú ý tới chế độ luyện tập hàng ngày. Đặc biệt hãy tích cực giảm cân nếu bản thân đang mắc chứng thừa cân hay béo phì, giữ gìn một trạng thái cân nặng hợp lý và cường độ vận động thể dục thể thao phù hợp.