Hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kinh tế hợp tác xã ở nước ta cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển.
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế hợp tác xã (HTX) trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra mục tiêu là sớm đưa KTTT nói chung và kinh tế HTX thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân.
Hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế HTX đã được ban hành, tạo động lực cho HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2013-2016, có 554 lượt HTX đã được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế- xã hội với tổng kinh phí là 74.965 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách trung ương là 7.484 triệu đồng, từ ngân sách địa phương là 67.481 triệu đồng. Riêng 2018, cả nước có 596 HTX được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, cả nước có 22.861 HTX (13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng/HTX, tăng 3.622,7 triệu đồng (gấp khoảng 5,2 lần) so với năm 2003. Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/HTX/năm 2018. Cùng với đó, cả nước có 74 Liên hiệp HTX, tăng 49 đơn vị so với năm 2003, cả giai đoạn 2003-2018 thành lập mới là 51 Liên hiệp HTX (tập trung nhiều nhất năm 2017) và giải thể 28 liên hiệp.
Một trong những chuyển biến tích cực về kinh tế HTX là nếu như ở giai đoạn trước, thành viên tham gia HTX theo mệnh lệnh hành chính, không góp vốn thì giờ đây người dân tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX. Nhiều HTX có phạm vi hoạt động toàn xã, thậm chí toàn huyện. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.
Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên.
Mới đây, để phát triển hơn nữa kinh tế tập thể, hợp tác xã, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND. Kế hoạch triển khai xây dựng báo cáo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 của thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, xây dựng báo cáo gồm mốc thời gian định hướng chiến lược, từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2020. Mốc thời gian xây dựng báo cáo định hướng chiến lược, sử dụng số liệu về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bắt đầu từ năm 2011 đến năm 2020.
Nội dung xây dựng báo cáo, UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng báo cáo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 của thành phố Hà Nội theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về việc trên, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Cục thuế Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát, xây dựng báo cáo định hướng chiến lược trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gửi báo cáo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trước ngày 25/5/2020, đồng thời, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã thành phố để tổng hợp số liệu chung.
UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố tổng hợp hệ thống số liệu chung; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; gửi báo về Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trước ngày 30/5/2020.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã thành phố hoàn thiện dự thảo báo cáo định hướng chiến lược, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/6/2020 để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 6/2020…
Hà Nội ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND, triển khai xây dựng báo cáo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 của thành phố Hà Nội.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã có công văn gửi các bộ, cơ quan liên quan về việc triển khai Kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030.
Chiến lược được xây dựng với mục tiêu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2011 - 2020, chỉ rõ kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời xác định mục tiêu, định hướng chung cũng như định hướng theo vùng, lãnh thổ, ngành, lĩnh vực, từ đó xây dựng nhiệm vụ, giải pháp, chính sách hỗ trợ lâu dài nhằm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn 2021 - 2030 nhanh và bền vững.
Theo đó, dự kiến từ tháng 1/2020 - 12/2020 sẽ triển khai xây dựng Chiến lược. Cụ thể, từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 6/2020, các bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành phố tiến hành xây dựng Báo cáo định hướng Chiến lược trong ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Sau đó, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng 15 báo cáo chuyên đề đánh giá kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011 - 2020, hạn chế, nguyên nhân và định hướng giai đoạn 2021 - 2030 để làm rõ thêm một số nội dung phục vụ xây dựng Chiến lược.
Báo cáo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được Bộ KH&ĐT tổng hợp, xây dựng và lấy ý kiến góp ý thông qua các hội thảo lấy ý kiến. Báo cáo sẽ được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Minh Nhật