Cá tra Việt được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc |
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá thịt trắng từ thế giới. Nhu cầu lớn tại thị trường này tạo ra hàng triệu đơn hàng, với giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, cá tra Việt Nam cũng là một trong những sản phẩm được ưa chuộng tại đại lục này.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), kể từ năm 2004 đến 2023, Trung Quốc đại lục đã tiêu thụ gần 25 tỷ USD cá thịt trắng. Trong đó, Nga là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất cho Trung Quốc với gần 15 tỷ USD, chiếm 60% tỷ trọng.
Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Nga, với gần 3 tỷ USD, và chiếm 11% tỷ trọng trong tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc trong 20 năm qua.
Thực tế cho thấy, thị trường tỷ dân này chỉ chính thức nhập khẩu cá thịt trắng từ Việt Nam kể từ năm 2012. Trước đó, từ năm 2004, Trung Quốc hầu như không nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng từ Việt Nam, mà chủ yếu nhập khẩu từ Na Uy, Nga, Canada, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc,...
Sản phẩm cá thịt trắng người tiêu dùng tại Trung Quốc ưa thích hàng đầu là cá minh thái Alaska đông lạnh mã HS 030367. Trong 20 năm qua, kể từ năm 2004, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 9 tỷ USD sản phẩm này, chiếm 36% tỷ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng từ thế giới.
Năm 2019 ghi nhận là năm nhập khẩu cá minh thái Alaska đông lạnh mã HS 030367 của Trung Quốc đạt giá trị cao nhất, với 941 triệu USD, tăng 44% so với năm 2018.
Bảy tháng đầu năm nay, nhập khẩu sản phẩm này của Trung Quốc đạt 376 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 4 ghi nhận mức giá trị cao nhất, với 104 triệu USD, giảm 19% so với tháng 4/2023.
Ngoài cá minh thái Alaska đông lạnh, các món ăn từ cá tuyết cod đông lạnh mã HS 030363 hay HS 030360 cũng rất được ưa chuộng. Giống như sản phẩm HS 030367, cá tuyết cod đông lạnh mã HS 030363 cũng được nhập khẩu từ năm 2012, với giá trị nhập khẩu cao nhất ghi nhận là 732 triệu USD năm 2022, tăng 49% so với năm 2021.
Đáng chú ý, với sản phẩm mã HS 030360, Trung Quốc gần như chỉ nhập khẩu trong 3 năm 2004 (đạt 722 triệu USD) , 2005 (đạt 953 triệu USD), 2006 (đạt 888 triệu USD). Từ năm 2007 đến nay, thị trường này nhập khẩu ít, hoặc hầu như không nhập khẩu sản phẩm này. Tuy nhiên, tổng giá trị nhập khẩu cá tuyết cod đông lạnh mã HS 030360 trong 20 năm qua vẫn khiến sản phẩm này nằm trong top 3 các sản phẩm cá thịt trắng được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc, với hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 10% tỷ trọng.
Phile cá tra đông lạnh mã HS 030462 đứng ở vị trí thứ 4 trong “menu cá thịt trắng được ưa thích nhất” tại Trung Quốc. Bắt đầu nhập khẩu từ năm 2012, tính đến năm 2023, giá trị nhập khẩu sản phẩm này của Trung Quốc đạt 2,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị nhập khẩu năm 2022 đạt mức cao nhất, với 492 triệu USD, tăng 134% so với năm 2021. Bảy tháng đầu năm nay, siêu cường tỷ dân này mua tổng cộng 86 triệu USD sản phile cá tra đông lạnh, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung duy nhất sản phẩm này cho Trung Quốc kể từ đầu năm nay.
Cũng được nhập khẩu từ năm 2012, tổng giá trị nhập khẩu cá tuyết haddock đông lạnh mã HS 030364 của Trung Quốc tính đến năm 2023 đạt hơn 1,5 tỷ USD. Nga là nguồn cung lớn nhất sản phẩm này cho Trung Quốc, với 59 triệu USD năm 2023.
Có thể nói, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nhập khẩu cá tra Việt Nam. Giá cả hợp lý, giàu dinh dưỡng của cá tra, sự tương đồng về khẩu vị, và thuận lợi vận tải là một số ưu điểm vượt trội để cá tra Việt là một trong những sản phẩm cá thịt trắng được ưa thích tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, sản phẩm bên kia đại dương - cá minh thái Alaska đông lạnh mã HS 030367 là sản phẩm ghi nhận giá trị nhập khẩu cao nhất. Điều này cho thấy, dư địa khai thác tiềm năng tại thị trường này vẫn còn. Doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu, đa dạng hơn các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này, bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile đông lạnh.
Xuất khẩu thủy sản đã quay trở lại quỹ đạo và tăng tốc để về đích |
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng khá khả quan |
Cá tra Việt Nam là lựa chọn số 1 của người Brazil |