Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 kịch bản cho ĐBSCL và sự lựa chọn doanh nghiệp” tại TP. Cần Thơ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nhiều ngành sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn. Ngành du lịch bị sụt giảm nặng nề, hàng hóa nông sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may thiếu phụ liệu để may mặc…
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: “Theo tổng hợp kết quả khảo sát của VCCI vào tháng 5/2020, doanh nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đánh giá Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp tham gia tọa đàm
Phần lớn doanh nghiệp đều đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giảm đi, trong đó giảm mạnh nhất là lượng đơn đặt hàng mới (-80,7%), tổng doanh thu (-77,8%), lượng mua nguyên vật liệu đầu vào (-61,6%) và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (-61,1%). Trong khi đó số doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh tăng lên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ từ khoảng 3,5% - 6,6 %, chủ yếu là các doanh nghiệp là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trang thiết bị trong ngành y tế, găng tay, khẩu trang y tế.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cũng gặp khó với tỷ lệ doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm đi chiếm 59,1% trong khi tỷ lệ tăng lên chỉ chiếm 4,6%, cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các các quốc gia nước ngoài đã bị giảm nghiêm trọng do tác động Covid 19. Số lượng công nhân tại doanh nghiệp đánh giá giảm đi lên tới 47%, cho thấy chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp đảm bảo được số lượng công nhân viên ổn định.
Tại ĐBSCL, với những đặc thù ngành nghề tập trung nhiều ỡ lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh có độ trễ nhất định. Nếu như ngành thương mại dịch vụ - du lịch bị tác động ngay khi dịch bùng phát thì ngành chế biến nông thủy sản còn cầm cự trong thời gian dịch bệnh, nhưng đến nay thị trường tiêu thụ chủ lực là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... đều giảm đơn hàng đáng kể, nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như: Trái cây giảm 21,4%; cá tra giảm 39,1%; tôm giảm 14,5%... Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp, chế biến nông sản hiện đang tồn kho, hoạt động cầm chừng, trong khi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác như: Dich vụ du lịch, xây dựng bất động sản, vận tải, logistics, may mặc, da giày.... vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh...".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo báo cáo của VCCI Cần Thơ thì tăng trưởng kinh tế cả nước 06 tháng đầu năm đạt mức 1,81%. Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn bán lẻ tăng 4,3%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%). Giá trị gia tăng giảm mạnh trong khu vực dịch vụ nhà hàng khách sạn, vận tải. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ở một số lĩnh vực dệt, thực phẩm, điện tử…
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại
Riêng ĐBSCL, tổng sản phẩm nội vùng (GRDP) của vùng ĐBSCL tăng trưởng ước đạt 2,08%. Trong đó, tăng trưởng quý II của ĐBSCL đạt 0,45%, cao hơn mức tăng trung bình cả nước, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong bối cảnh các nước có mối quan hệ thương mại với Việt Nam trên thế giới chưa bình ổn với đại dịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả nước là 62.049 doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, ĐBSCL có 4.567 doanh nghiệp mới thành lập, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu toàn vùng ĐBSCL đạt 6,93 tỷ USD, giảm 3,15%, so với củng kỳ 2019. Bức tranh trên cho thấy, đại dịch Covid 19 đã gây khó khăn cho nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 06 tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia xuất khẩu sẽ khó hồi phục trong 6 tháng cuối năm, nhưng trong năm 2020 kinh tế Việt Nam sẽ không suy thoái là nhờ thị trường nội địa. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại. Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, cần phải có các gói giải pháp chính sách. Chính sách cho doanh nghiệp hiện này là duy trì đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp truy trì có đủ tiền tiếp tục hoạt động để qua Covid có thể phục hồi. Những chính sách hiện hữu như trợ cấp thất nghiệp, miễn giảm thuế, dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua ngân hàng, tài khóa... là những yếu tố tích cực cho doanh nghiệp hồi phục”.
Hồng Nga