Sá sùng còn gọi là sâm đất, địa sâm, giun biển, sá trùng |
Sá sùng được coi là một trong những đặc sản nức tiếng tại Việt Nam, chỉ xuất hiện ở các vùng biển như Vân Đồn và Móng Cái của Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc…. Tuy nhiên, sá sùng Quảng Ninh được cho là có chất lượng ngon nhất.
Sá sùng còn gọi là sâm đất, địa sâm, giun biển, sá trùng, đồn đột… có hình thù khá “đáng sợ” gây tâm lý dè chừng cho thực khách, song, khi có cơ hội thưởng thức thì lại khiến không ít người mê đắm. Thực phẩm này xếp vào hạng hàng hóa cho giới thượng lưu, giá dao động từ 4,5 – 5 triệu đồng/kg.
Sá sùng tươi sở hữu thân hình dài, khoảng 5-10cm, mềm, màu hồng nhợt của đất, trên mình có những vân sọc li ti và ruột chứa toàn cát. Sá sùng tươi thường được chế biến thành các món ăn như: cháo, nước dùng của phở… mang đến hương vị ngọt thanh, đậm đà bản sắc, hương thơm quyến rũ đặc biệt.
Khi được làm sạch và phơi khô, sá sùng chuyển sang màu trắng đục. Loại này thường được mang đi xuất khẩu sang các nước, thuận tiện cho việc vận chuyển đến các tỉnh hoặc bán làm quà cho du khách ở xa, bởi thời gian để được lâu và cách bảo quản cũng dễ dàng.
Do đó, giá của sá sùng tươi chưa bằng 1 phần của sá sùng khô. Theo chị Nguyễn Sinh (Người dân làm sá sùng để bán cho các chủ kinh doanh tại Tiên Yên, Quảng Ninh) cho biết, sá sùng khô loại bé nhất có giá là 4 triệu đồng/kg, loại vừa là 4,5 triệu đồng/kg, loại to nhất là 5 triệu đồng/kg. Nếu mua lẻ từng gram, thì 1gram sẽ là 600.000 đồng. Trong khi loại sống chỉ khoảng 250.000-300.000 đồng/kg tùy loại.
"Sá sùng Quảng Ninh được nhiều người ưa chuộng, không phải lúc nào muốn là có. Vì sá sùng xuất hiện nhiều vào đầu năm, từ tháng 1-5, còn các tháng này rất khó, mỗi ngày tôi đi kiếm chỉ được 1-2 lạng là nhiều, mà từ 4h sáng đến 3h chiều. Khâu chế biến rất nhiều bước và cầu kỳ, cần phải làm sạch, sơ chế, lộn ruột vì bên trong sá sùng toàn cát, sau đó mang đi sấy khô. Thời gian tạo ra sản phẩm cũng phải mất 1 ngày", chị Sinh chia sẻ thêm.
Sá sùng có dạng hình ống, sinh sống ở vùng ven biển |
Theo y dược cổ truyền, sá sùng vị mặn, tính lạnh, bổ âm, giải nhiệt, mát phổi, cải thiện công năng tỳ vị, hay dùng để chữa nóng sốt, vã mồ hôi trộm do âm hư, ngực bứt rứt buồn bực, răng lợi sưng đau, ho khạc đờm nhiều do phế hư, tiểu đêm nhiều... Từ xa xưa sá sùng được coi là bài thuốc quý bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lý, thanh lọc và làm mát cơ thể, chữa đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, đau xương khớp, đau tức ngực, ho khan, bệnh lao phổi, đau răng lợi…
Thầy thuốc ưu tú - Lương y Trần Văn Quảng đã chia sẻ với báo chí rằng sá sùng là vị thuốc quý, nhiều chất dinh dưỡng tốt. Trong rất nhiều công dụng theo kinh nghiệm y học dân gian thì công dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường "bản lĩnh đàn ông" được quan tâm và đồn thổi nhiều hơn cả và nhiều người lùng mua loài sinh vật biển có hình dáng khiếp sợ này và coi như thần dược rất cao giá. Sá sùng còn được ví như địa sâm, có công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu. Sá sùng tươi đóng khoảng 8 - 10 con/1 hộp, trộn với bùn nhão và xốp để xuất khẩu, hoặc tiêu thụ tại một số nhà hàng.
Cách làm sá sùng nướng
Sá sùng nướng |
Sá sùng khô sau khi sơ chế sạch đem phơi khô, tuy không có vị giòn sần sật đặc trưng nhưng lại có hương vị đậm đà, hấp dẫn, trong đó có món sá sùng nướng. Cách nướng khá đơn giản nhưng ngon hơn rất nhiều so với các hải sản khô nướng khác. Cách làm như sau:
Dùng một nồi sắt, đổ cồn nướng và cho sá sùng vào trộn sao cho cồn bám đều sá sùng. Nhưng không nên cho quá nhiều cồn vì như thế sẽ làm cho sá sùng bị mềm, ăn không ngon, còn có hại cho sức khỏe.
Châm lửa nướng sá sùng (cẩn thận kẻo bị bỏng khi lửa bắt vào cồn), lấy đũa đảo đều tới lúc cồn cháy hết thì sá sùng chín hẳn.
Món sá sùng nướng chấm với muối ớt vắt chanh đúng vị chuẩn nhất.