Ông Nguyễn Xuân Triển chăm sóc đàn hươu |
Có thể kể đến mô hình nuôi hươu sao của CCB Nguyễn Xuân Triển ở thôn Kim Bình xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Triển trồng lúa, làm vườn, chịu khó làm lụng nhưng cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, ông luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế. Tìm hiểu trên sách báo và thăm quan một số mô hình CCB phát triển kinh tế, ông Triển nhận thấy nuôi hươu lấy nhung là một hướng đi mới, hiệu quả ở nhiều nơi, chi phí cho thức ăn không nhiều, chủ yếu là cỏ, lá cây, lại ít rủi ro…
Năm 2019, ông Triển quyết định đầu tư xây chuồng và mua 1 cặp hươu giống với giá 30 triệu đồng của một trại nuôi hươu ở tỉnh Tuyên Quang về nuôi. Ngoài ra, ông còn trồng thêm khoai lang trong vườn và chuyển đổi hơn 2 sào đất mầu sang trồng cỏ voi để có nguồn thức ăn nuôi hươu. Ông Triển tâm sự: “Gia đình tôi đã nuôi rất nhiều vật nuôi, nhưng hay bị dịch bệnh. Qua tìm hiểu, năm 2019 gia đình tôi quyết định nuôi hươu sao, bởi đây là loài ăn tạp, lượng thức ăn chỉ từ 4-6kg cỏ/ngày và quan trọng là không dịch bệnh, nên từ đó đến nay đàn hươu sinh trưởng, phát triển tốt”.
Hươu sao là động vật rừng được thuần hóa nên có tập tính hoang dã, cần xây dựng chuồng trại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ hươu sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Ban đầu, khi mới bắt tay vào nuôi hươu, ông cũng gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc. Vừa nuôi vừa tìm hiểu thêm qua sách báo, truyền hình, có thời gian thì đi thăm quan, học tập ở các trang trại nuôi hươu trong và ngoài tỉnh và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
So với nhiều loài vật nuôi khác, ông Triển nhận thấy nuôi hươu ít bị dịch bệnh, lại phù hợp với khí hậu, đất đai ở địa phương nhưng không vì thế mà ông chủ quan trong quá trình chăm sóc. Hàng ngày, ông thường xuyên làm vệ sinh đảm bảo khu chuồng luôn khô ráo, thức ăn thì lựa chọn các loại lá cây, cỏ sạch, tươi mới cho hươu ăn.
Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, sau hơn 3 năm, đàn hươu của gia đình ông Triển đã tăng lên 7 con, trong đó có 4 con hươu đực đã và chuẩn bị cho thu hoạch nhung. Theo ông Triển, hươu đực nuôi 2 năm tuổi thì bắt đầu có nhung cho thu hoạch, còn hươu cái sau 2 năm bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi đợt một con hươu cho khoảng 0,6 - 0,8kg nhung, tùy thể trạng từng con mà mỗi năm có thể cắt nhung từ 1 - 2 lần. Với giá nhung hươu hiện tại 20 triệu đồng/kg, dự kiến năm nay gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng.
Ông Triển cho biết thêm: “Ý định của gia đình là phát triển khoảng 10 -12 con, trong đó con đực lấy nhung, con cái để sinh sản, quá số lượng trên gia đình sẽ bán hươu giống hoặc hươu thịt ra thị trường”.
Mô hình nuôi hươu sao của CCB Nguyễn Văn Bút |
Cũng chọn nuôi hươu để phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Văn Bút là hộ đầu tiên của tại thôn 2 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) thử nghiệm mô hình chăn nuôi hươu sao.
Ông Bút chia sẻ: Khi đang lướt internet xem các video về nông nghiệp, tôi tình cờ phát hiện ra một mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, không phải bỏ ra nhiều công sức, đó là mô hình nuôi hươu sao lấy nhung.
Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi hươu sao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đang sống và điều kiện của gia đình.
Đầu năm 2020, ông Bút mạnh dạn đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 5 con hươu đực, 7 con hươu cái đưa về nuôi tại gia đình. Sau 3 năm chăm sóc, gia đình ông Bút đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung và hươu giống.
Để hươu sinh trưởng, phát triển thuận lợi, ông Bút còn tìm hiểu thêm một số mô hình nuôi hươu sao trên địa bàn tỉnh, đồng thời học hỏi, đúc kết kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho hươu qua sách báo, mạng internet.
Ông Bút chia sẻ: Nuôi hươu sao lấy nhung tuy phải đầu tư vốn lớn nhưng rất dễ nuôi, vì hươu có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, không phải đầu tư nhiều cho thức ăn. Nguồn thức ăn có thể tận dụng nguồn cây cỏ, trái cây có sẵn trong vườn. Mùa hươu ra nhung, sinh sản thì cho ăn thêm chuối chín, các loại tinh bột( bột gạo, bột mì, cám bắp), muối khoáng để đảm bảo dinh dưỡng.
Theo ông Bút, hươu sao là động vật rừng được thuần hóa nên có tập tính hoang dã, cần xây dựng chuồng trại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát.
Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ hươu sẽ sinh trưởng, phát triển tốt; hươu đực nuôi từ 9-10 tháng tuổi sẽ bắt đầu cho ra nhung, sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu khai thác; còn hươu cái sau 2 năm bắt đầu sinh sản.
Tuổi thọ trung bình của một con hươu sao là 20 năm. Hươu đực trưởng thành cho 0,7 - 1 kg nhung/ năm. Thông thường, mỗi con hươu đực nếu được chăm sóc tốt mỗi năm sẽ cho từ 1 - 2 lứa nhung.
Hiện tại, từ 13 con hươu sao (5 con đực, 7 con cái) trung bình mỗi năm gia đình ông Bút thu hoạch được gần 3,5 kg nhung với giá bán 2 triệu đồng/lạng và 2-3 con hươu giống với giá 14 triệu đồng/con, trừ đi mọi chi phí gia đình ông Bút thu được hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Bút còn sử dụng phân hươu sao bón cho cây cà phê, sầu riêng giúp cây trồng phát triển xanh tốt.
“Điều đáng mừng là giá nhung hươu đang ổn định và làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bởi nhu cầu mua nhung hươu trên địa bàn là rất cao, người dân thường đến đặt trước 1-2 tháng trước thu hoạch. Người ta đặt thì tôi cắt bán nên không lo về đầu ra” - ông Bút thông tin.
Từ hiệu quả mô hình nuôi hươu sao của gia đình, ông Bút đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và sẵn sàng cung cấp hươu giống với giá rẻ hơn so với thị trường cho hộ CCB khác trong Chi hội để cùng phát triển chăn nuôi.