Biển cấm được người dân cắm khắp nơi quanh đoạn suối Poong để bảo vệ các sản vật thiên nhiên. |
Quyết liệt bảo vệ báu vật tự nhiên suối Poong
Hàng chục hộ dân ở khu phố 1, thị trấn Mường Lát, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) hiện cùng nhau bảo vệ đàn cá dưới suối và cấm hái măng, săn bắt ong trong các khu rừng thuộc địa phận của khu phố mình.
Dọc khu vực suối Poong dài gần 2km chảy qua địa bàn, các điểm lên xuống đều được ban quản lý khu phố đặt biển "cấm bắt cá suối". Ngoài ra, ở các đường dân sinh, đường dẫn vào rừng, lên đồi cũng đặt biển ‘cấm hái măng, săn bắt ong’.
Ông Vi Công Hưởng (72 tuổi, trú khu phố 1) cho biết, khu phố đã đưa ra họp bàn về việc cấm đánh bắt cá suối và được tất cả các hộ dân đồng tình, coi đây như một nội quy, hương ước thôn bản.
“Suối Poong chảy qua địa bàn thường xuyên bị người dân ở nơi khác đến đánh bắt cá kiểu tận diệt như dùng thuốc, vôi bột, kích điện, gây ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh của suối. Chính vì vậy, người dân khu phố đã lập hương ước về việc cấm đánh bắt cá”, ông Hưởng kể.
Cũng theo ông Hưởng, ngoài việc cấm đánh bắt cá dưới suối, khu phố cũng đề ra việc cấm hái măng, cấm săn bắt ong trong rừng (rừng đã bàn giao cho chủ hộ gia đình).
Bà Hà Thị Hoán (60 tuổi) chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ quyết định của ban quản lý khu phố về việc cấm bắt cá suối để tránh việc đánh bắt tận diệt, hủy hoại môi trường”.
Ông Nhân cho biết trước đây người dân hay về bắt ong, nhưng nay thì không ai làm việc đó nữa. |
Theo ông Ngân Văn Nhân, Phó trưởng khu phố 1, khi đưa ra cuộc họp khu phố để bàn thì cả 56 hộ dân đều đồng thuận với việc cấm bắt cá suối, hái măng, săn bắt ong.
Mỗi năm chỉ đánh bắt cá một lần chung cả khu phố
Việc cấm đánh bắt cá suối được nhân dân cam kết thực hiện quanh năm và mỗi năm chỉ đánh bắt 1 lần (tập trung cả khu phố). Người dân địa phương được câu cá nhỏ lẻ. Khi phát hiện người nào (chủ yếu ở nơi khác) đến đánh cá ở khu vực cấm thì nhắc nhở để họ biết và quay về.
Về việc cấm hái măng, săn bắt ong, ông Nhân lý giải: “Đến mùa có hàng chục người ở nơi khác đến những cánh rừng, quả đồi của khu phố tìm hái măng gây mất an ninh rừng. Việc bắt ong cũng vậy, người từ các địa phương khác đến dùng lửa để bắt ong, làm rơi tàn lửa xuống có thể gây cháy rừng nên nhân dân đồng tình với việc cấm này”.
Ông Ngân Văn Bằng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát cho biết: “Việc khu phố cấm đánh bắt cá suối, hái măng, săn bắt ong được nhân dân hết sức đồng tình và cũng đã có báo cáo về UBND thị trấn. UBND thị trấn sẽ ra thông báo để người dân các khu phố lân cận biết để tránh đến những khu vực đã bảo vệ”.
Người dân địa phương được câu cá nhỏ lẻ, tuyệt đối không đánh bắt kiểu tận diệt. |
Cũng theo ông Bằng, chính quyền địa phương cũng đang tuyên truyền để nhân rộng mô hình này. Hiện nay, cũng đã có khu phố Piềng Mòn đang thực hiện việc cấm đánh cá suối Xim chảy qua địa bàn.
“Trước đây, mỗi khi đi đánh cá dưới suối, người dân thường đắp lạch, ngăn dòng chảy của suối vào một khu vực để vét sạch cá (tận diệt). Bây giờ, nhiều người mang chài lưới đến, thấy biển cấm thì cũng vui vẻ quay về”.
Dù ở địa bàn miền núi, biên giới, nhưng người dân và chính quyền địa phương ở thị trấn Mường Lát đã có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Với sự chung tay và đồng thuận của người dân, những sản vật thiên nhiên ở Suối Poong bắt đầu sinh sôi trở lại. Và thật ý nghĩa khi người dân cả khu phố có một ngày đánh bắt cá chugn duy nhất một lần trong năm được ví như ngày hội, đê tận hưởng thành quả từ nỗ lực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên./.