Giữ gìn sức khỏe ngày Tết với những cây thuốc quanh nhà Bún, miến, phở có tốt cho sức khỏe hơn bánh chưng? Ăn nhiều đồ ngọt là "kẻ thù" thầm lặng của sức khỏe |
Thành phần dinh dưỡng của chuối
Loại quả tưởng như rất tốt và an toàn cho sức khỏe nếu không chú ý khi dùng có thể gây một số vấn đề cho sức khỏe. |
Chuối là loại trái cây có nhiều ở Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán thì đây là loại quả được thắp hương trên ban thờ phổ biến nhất. Sau khi hết Tết, hầu như gia đình nào cũng có chuối dù là xanh hay chín. Do đây là loại quả đã được dâng cúng nên mọi người sẽ cố ăn chứ không vứt bỏ, vì sợ mất lộc. Thế nhưng, loại quả tưởng như rất tốt và an toàn cho sức khỏe này nếu không chú ý khi dùng có thể gây một số vấn đề cho sức khỏe.
Một quả chuối cỡ trung bình (118g) cung cấp 105 calo, 27g carbohydrate, 14,4g đường và 1,3g protein. Chuối là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời, và một khẩu phần ăn chứa 422mg kali. Cùng với kali, chuối chứa một số vitamin C, folate, magiê và choline.
Có 27g carbohydrate trên mỗi quả chuối trung bình, trong đó bao gồm 3g chất xơ và hơn 14g đường tự nhiên. Khi chuối chín, một số tinh bột kháng (chất xơ) chuyển thành đường, nghĩa là chuối vàng có đốm nâu có nhiều đường hơn và ít chất xơ hơn chuối xanh có cùng kích thước. Chỉ số đường huyết của chuối nằm trong khoảng 48-54.
Chuối chứa ít chất béo, với ít hơn 0,5g mỗi quả chuối cỡ trung bình. Bởi vì có một lượng nhỏ vitamin A và K hòa tan trong chất béo trong chuối nên việc tiêu thụ chúng cùng với chất béo có thể giúp mang lại lợi ích dinh dưỡng đó.
Chuối cũng có hàm lượng protein khá thấp, dưới 1,5g mỗi quả và bơ đậu phộng là một thực phẩm bổ sung phổ biến, chứa protein thực vật cho chuối, với 8g mỗi hai muỗng canh.
Một quả chuối cỡ trung bình chứa 105 calo trong khi một quả táo gala cỡ trung bình có khoảng 61 calo, quả cam có 72,8 calo và một chén nho đỏ không hạt (150g) chứa 129 calo.
Nên ăn bao nhiêu quả chuối một ngày?
Sai lầm thường gặp nhất là chúng ta ăn quá nhiều trong ngày vì nghĩ chuối chín an toàn và tốt cho sức khỏe. |
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sai lầm thường gặp nhất là chúng ta ăn quá nhiều trong ngày vì nghĩ chuối chín an toàn và tốt cho sức khỏe. Thực chất, chuối là loại quả “quốc dân” nhiều người dùng được, ít tác dụng phụ nhưng quả này chứa rất nhiều năng lượng nên nếu ăn quá mức có thể gây thừa cân.
PGS Lâm dẫn chứng, 100g chuối chín có đến 97KCal. Trong khi một quả chuối tiêu cỡ lớn có thể đạt 100g, như vậy nếu ăn 2 quả chuối một ngày thì tổng năng lượng đã cao gấp rưỡi so với ăn một bát cơm (1 bát cơm khoảng 130-150Kcal), và phải đi bộ 2 tiếng mới tiêu hao hết. Vì thế, theo bác sĩ, dịp sau Tết, dù chuối lễ chín nhiều nhưng chúng ta chỉ nên ăn 1 quả hoặc 1/2 quả/lần (nếu quả to), đồng thời không ăn quá nhiều cùng một lúc để tránh tình trạng dư thừa năng lượng dẫn tới tăng cân.
Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, chuối là quả tốt cho sức khỏe dù là chuối xanh hay chuối chín. Trong đó chuối xanh cung cấp nhiều tinh bột, vì thế trong giai đoạn kinh tế khó khăn, loại quả này được dùng để chống đói. Tuy nhiên, khi chín, chuối lại cung cấp nhiều đường ngọt. Do vậy, dù dùng món chế biến từ chuối xanh hay ăn chuối chín thì đều dễ nạp khá nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, chuối khi vào cơ thể cũng tiêu hóa khá nhanh, vì thế đây là loại quả tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, chúng còn cung cấp nhiều các loại vitamin và khoáng chất khác đặc biệt là kali. Đây là khoáng chất có tác dụng điều hòa huyết áp, tốt cho tim mạch, giúp giảm nguy cơ sỏi thận và loãng xương.
Kiêng ăn chuối đối với một số bệnh
Chuối là loại quả chứa nhiều năng lượng nên mọi người không nên ăn nhiều một lúc. |
Theo ông Sáng, có một số người sau không nên ăn nhiều chuối:
Người đau dạ dày cần hạn chế hoặc không nên ăn chuối xanh, vì chúng chứa nhựa, có hàm lượng pectin cao, có thể kích thích dạ dày tăng tiết axit, gây đầy chướng bụng, đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị, trào ngược dạ dày. Với chuối chín cũng nên ăn ít và không ăn khi bụng đói.
Người có hội chứng ruột kích thích: Chuối có tác dụng nhuận tràng. Khi ăn nhiều, lượng sorbitol dư thừa làm đầy hơi, đau chướng bụng, tiêu chảy, không có lợi với người mắc hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra, nên tránh ăn chuối vào bữa sáng vì có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu, khiến cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ. Nên ăn chuối sau bữa tối, cách giờ đi ngủ khoảng 2 tiếng vì khi đó axit amin tryptophan, magie, sau khi nạp vào cơ thể kích thích sản xuất serotonin, hormone melatonin và kiềm chế mức độ cortisol, giúp ngủ ngon, sâu giấc hơn. Hàm lượng kali và magie cao có thể cân bằng điện phân trong cơ thể, ngăn ngừa chuột rút về đêm.