Cây gắm - Vị thuốc quý cho xương khớp và nhiều bệnh khác Cây hoa dẻ - Loài hoa dân dã và những công dụng tuyệt vời Hồng hoa - Vị thuốc quý trong y học cổ truyền |
Đặc điểm của cây sinh địa
Cây sinh địa còn được gọi là địa hoàng, sinh địa hoàng |
Cây sinh địa còn được gọi là địa hoàng, sinh địa hoàng. Cây có tên khoa học là Rehmannia glutinosa, thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Là dạng cây thân thảo, sinh trưởng trong nhiều năm. Mỗi thân cây cao trung bình 40 đến 50cm, trên thân xuất hiện các đốt ngắn, lá sẽ mọc ra từ phần đốt này. Bao bạch quanh phần thân là một lớp lông mỏng, màu trắng nhạt.
Phần rễ có xu hướng phát triển thành củ. Đến độ tuổi trưởng thành, mỗi củ sinh địa có thể đạt chiều dài 20cm, đường kính trung bình trên 3cm. Củ sinh địa có chiều dài khoảng 15 - 20cm, đường kính từ 0,5 - 3,4cm, ruột màu vàng nhạt, vỏ màu hồng nhạt.
Lá cây sinh địa mọc quanh các gốc theo các đốt, đầu lá hơi tròn, rộng 2 - 6cm, dài 3 - 15cm. Mép lá có răng cưa, lá có nhiều gân, phiến lá mềm, trên mặt lá có 1 lớp lông mềm màu tro trắng.
Hoa sinh địa mọc theo chùm, đài và cánh hoa hình chuông, hoa 5 cánh, dài 3 - 4cm, mặt ngoài màu tím sẫm còn mặt trong hơi vàng. Mùa hoa nở rộ vào tháng 3 - tháng 4 hằng năm
Hầu hết sinh địa trồng tại Việt Nam đều không có quả. Tuy nhiên nếu trồng tại Trung Quốc thì của sinh địa vẫn có quả và phát triển rộ vào giai đoạn tháng 5 đến tháng 6 hàng năm.
Trong số các bộ phận trên thì củ chính là bộ phận giá trị nhất. Người ta thường chế biến củ thành nhiều bài thuốc trị bệnh.
Củ sinh địa |
Cây sinh địa có nguồn gốc từ các tỉnh ôn đới ẩm của Trung Quốc. Ở Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam cũng trồng sinh địa với quy mô nhỏ. Ở nước ta, dược liệu này được trồng nhiều tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,...
Theo y học cổ truyền
Cây sinh địa có công dụng Thanh nhiệt, làm mát máu, tăng sinh dịch cơ thể, bổ âm. Dùng để chữa các bệnh thiếu máu, người yếu mệt, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, ho ra máu, động thai…
Theo y học hiện đại
Cây địa sinh có công dụng chống viêm rất tốt. Dược liệu có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu Cocticoit nhưng không làm ức chế hay gây teo tuyến thượng thận. Tác dụng cường tim, cầm máu, hạ áp, hạ đường huyết. Bảo vệ gan, chống nấm, chống phóng xạ, lợi tiểu.
Bài thuốc sử dụng cây sinh địa
Trị sốt cao, lưỡi đỏ, khát nước
Lấy 16g sinh địa, 12g huyền sâm, 12g mạch môn, 2 quả trám đập vụn, tất cả đem sắc uống.
Trị viêm khớp do phong thấp
Sinh địa tươi 200g đem sắc uống.
Chữa ho khan, bệnh lao
Dùng 2.400g sinh địa, 480g bạch phục linh, 240g nhân sâm, 1.200g mật ong trắng. Đem sinh địa đem giã ra rồi vắt lấy nước và thêm mật ong vào nấu sôi lên. Sau đó thêm bạch phục linh cùng nhân sâm đã tán nhỏ vào. Tiếp đến cho tất cả vào lọ đậy kín rồi đun cách thủy trong 3 ngày 3 đêm. Lấy ra để nguội. Mỗi lần chỉ dùng từ 1 - 2 thìa với tần suất 2 - 3 lần/ngày.
Điều trị đau đầu, chóng mặt, khô họng, lở miệng, ù tai, mộng tinh, di tinh, kinh nguyệt không đều, đau lưng mỏi gối, trẻ em gầy yếu
Dùng 320g sinh địa, 160g hoài sơn, 160g sơn thù du, 120g trạch tả, 120g mẫu đơn bì, 120g bạch phục linh. Đem giã sinh địa cho mềm, các vị thuốc còn lại sấy khô và tán bột. Sau đó, trộn các dược liệu với nhau, thêm mật ong, vo thành viên kích cỡ như hạt ngô. Ngày uống khoảng 20 - 30 viên (tương đương 8 - 12g), uống 2 lần/ngày trước bữa chính khoảng 15 phút;
Bổ huyết, điều kinh
Sử dụng 16g sinh địa, 10g đương quy, 10g bạch thược, 5g xuyên khung. Cho các vị thuốc vào ấm, sắc lấy nước uống 1 thang/ngày;
Trị đau lưng mỏi gối, thận âm, mồ hôi trộm
Cần chuẩn bị 20g sinh địa, 16g sơn dược, 12g câu kỷ tử, 12g sơn thù, 12g thỏ ty tử, 12g ngưu tất, 12g cao ban long. Tất cả dược liệu trên đem tán thành bột mịn rồi thêm mật vào để hoàn thành viên. Mỗi lần dùng 12g với tần suất 2 lần/ngày vào buổi sớm và tối trước khi ngủ.
Hoặc có thể dùng 20g sinh địa, 20g quy bản, 12g tri mẫu, 12g hoàng bá. Các vị thuốc đem tán thành bột mịn rồi trộn với tủy xương sống lợn và hoàn thành viên. Mỗi lần dùng đúng 12g với tần suất 2 lần/ngày. Nên uống khi bụng đói, có thể uống chung với nước muối nhạt hoặc nước gừng.
Chữa sốt rét
Sinh địa 12g, thạch cao 16g, miết giáp 12g, tri mẫu 8g, đan bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị huyết nhiệt thổ huyết, chảy máu cam
Sinh địa 32g, sinh trắc bách diệp 12g, sinh ngư diệp 8g, sinh hà diệp 12g. Sắc chung, lấy nước uống.
Trị bệnh đái tháo đường
Chuẩn bị 40g địa hoàng, 20g hoàng kỳ, 40g sơn dược, 20g sơn thù và 12g tụy heo. Đem các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày. Sử dụng với liệu lượng 1 thang thuốc/ngày.
Bồi bổ cho phụ nữ sau sinh
Lấy 16g sinh địa, 16g ích mẫu, 20g hà thủ ô đỏ, 12g sâm nam. Đem tất cả vị thuốc trên cho vào ấm sắc với 1 thăng nước đến khi còn phân nửa. Uống ngay khi thuốc còn ấm với liều 1 thang/ngày.
Trị sốt cao kèm co giật
Sử dụng 20g sinh địa, 10g lá hẹ. Các vị thuốc trên đem rửa sạch, giã nát, thêm vào một chút nước, gạn bỏ bã, uống 1 lần/ngày.
Trị suy nhược cơ thể, táo bón, kém ăn, sốt nhẹ
Lấy12g sinh địa, 12g sa sâm, 12g mạch môn, 12g ngọc trúc, sắc tới khi chắt lấy nước thuốc thì pha thêm 12g đường phèn, uống sau bữa ăn, dùng 1 thang/ngày;
Lưu ý khi sử dụng sinh địa
Những người ăn uống kém hoặc khó tiêu, bụng đầy trướng, viêm đại tràng, đi ngoài lỏng,... cần thận trọng khi dùng dược liệu sinh địa vì tính hàn của vị thuốc có thể gây sôi bụng, tiêu chảy hoặc trướng bụng, đầy hơi, nôn mửa, đau bụng,...;
Người không có thấp nhiệt bên trong thì không được sử dụng.
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Tuyệt đối không dùng chung với lai phục tử để tránh gặp phải các tác dụng phụ;
Ngừng thuốc ngay lập tức nếu có triệu chứng dị ứng hoặc quá mẫn.
Cây sinh địa là một vị thuốc quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y. Tuy vậy, người bệnh vẫn cần tham khảo ý kiến từ thầy thuốc đông y trước khi sử dụng các bài thuốc có thành phần là sinh địa để đảm bảo dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian được khuyến nghị.
Huyền sâm - dược liệu quý trong Đông y |
Cây phù dung: Loài hoa đẹp, vị thuốc quý |
Công dụng ít người biết về hoa sữa |