Cây bình bát mọc dại ở nhiều nơi nhưng ít người biết tới |
Dây bình bát hay còn gọi là bát bát, mảnh bát, miểng bát… có tên khoa học là Coccinia cordifolia (L.) Cogn thuộc họ Bí – Cucurbitaceae. Dây bình bát là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các nước Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia… Tại nước ta, cây phân bổ từ Bắc vào Nam và mọc hoang trên nương rẫy, ở hàng rào, lùm bụi từ vùng đồng bằng đến miền núi cao.
Dây bình bát có lá mọc so le, hình tim, có cuống dài, khía 5 thùy nông, mép có răng cưa. Tua cuốn đơn, mọc đối diện với lá. Hoa đực và hoa cái giống nhau, mọc đơn độc hay xếp hai cái một ở nách lá, có cuống dài 2cm, rộng 2,5cm. Trái bình bát lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng, lúc chín có màu đỏ rực, ăn khá ngọt.
Từ lâu, người dân các tỉnh miền Tây đã biết lấy dây bình bát dùng để nấu canh. Đây là món rau “tự nhiên” rất dân dã của miệt vườn vùng nông thôn, các bà nội trợ thường dùng để luộc hay nấu canh rất ngon. Khi nấu chín, lá vẫn còn độ giòn rất riêng, vị ngọt thanh, ai đã từng ăn qua một lần sẽ khó mà quên. Dù nấu với bất cứ thứ gì thì khi ăn vẫn ngửi được mùi thơm của rau và người ăn sẽ có cảm nhận rõ vị ngọt béo mà không thể lẫn với bất cứ loại rau nào.
Chú Mười có một hàng rào dây bình bát tươi tốt, chú cho biết: “Hôm nào trời mưa hay không phải ngày chợ phiên, tôi lại ra vườn hái đọt và những chiếc lá non bình bát lành lặn, đem rửa sạch, để ráo và nấu canh với tôm, tép, thịt heo, thịt bò, cá trê, cá lóc… sẽ có bát canh bổ dưỡng với vị ngọt mát tự nhiên tăng thêm hương vị cho bữa cơm gia đình”.
Thế nhưng, theo chú Mười chia sẻ, đặc sản rau bình bát phải nấu đúng bài, đúng điệu với hột vịt lộn. Hoặc món lẩu hột vịt lộn ăn với bún và nhúng rau bình bát. 2 nguyên liệu “không liên quan” này khi kết hợp với nhau cho ra mùi vị vô cùng thanh mát và bổ dưỡng, đã ngon lại bồi bổ cho sức khỏe, ăn hoài không biết ngán.
Canh rau bình bát hột vịt lộn là đặc sản của Vĩnh Long |
Chính vì mùi vị đặc trưng của rau bình bát mà anh Huy (con chú Mười) sống và làm việc lâu năm tại Tp. HCM, mỗi dịp trở về nhà lại chạy ra vườn hái một rổ rau bình bát nấu lẩu hoặc nấu canh. Anh Huy cho biết, thi thoảng ở Sài Gòn mới tìm được loại rau này, vì ít người trồng lại không thông dụng trong các chợ hay siêu thị nên thi thoảng thèm thuồng, anh vẫn đặt rau bình bát qua mạng.
“Mình tìm trên các chợ mạng, sàn thương mại điện tử, trang website… thì thấy có nhiều chỗ bán. Tuy nhiên do quá trình vận chuyển xa nên không còn giữ được độ tươi mới như rau bình bát hái ngoài hàng rào nhà mình. Trung bình một kg rau bình bát mình mua từ 90.000 - 150.000 đồng, không hề rẻ mà đắt ngang ngửa thịt heo, thịt gà…”, anh Huy cho biết.
Không chỉ anh Huy, một người con Vĩnh Long khác là chị Minh (Quận Phú Nhuận, Tp. HCM) cũng rất thích món rau bình bát. Khi mở cửa hàng bán cơm quê, chị Minh lặn lội về quê tìm chỗ mối bán rau bình bát, lấy rau tươi về làm món canh rau bình bát hột vịt lộn. “Ai tới quán mình cũng đều muốn thử qua món này, rất đắt khách và đều được khen ngon và mới lạ. Mình giới thêm với họ là rau sạch, cắt ở vườn lên thì lại càng được thực khách của quán tin tưởng. Trung bình một ngày mình bán ra 30 - 50 phần canh bình bát như vậy, tầm khoảng 3 - 5kg rau”, chị Minh cho biết thêm.
Quả bình bát |
Trái bình bát có màu xanh, khi chín có màu đỏ rất đẹp, bên trong có nhiều thịt chứa nhiều hạt có vị ngọt thanh, thơm nhẹ. Nhiều người nghĩ cây bình bát dây là loại cây dại, quả chín có màu đỏ rực rỡ nên e ngại không dám ăn.
Trái bình bát dây xanh có vị đắng, chát, chua. Trái bình bát chín mềm rất đẹp, da mịn màng có vị ngọt, chua. Thực tế đã chứng minh, loại quả này không hề độc nên các bạn hãy yên tâm, khi ăn có thể nuốt hoặc nhả hạt tùy thích.
Nhìn quả bình bát dây đẹp và lạ, khi ăn cảm giác như 1 loại dưa, ăn rất ngon, ngọt và mềm, mềm mềm tựa như trái hồng chín vậy.
Trong Đông y dây bình bát còn được cho là vị thuốc khá hiệu quả. Rau bát có vị ngọt, tính mát, có tác dụng: Thanh nhiệt, mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, dưỡng âm, tiêu độc. Ngoài ra, dân gian dùng củ ngâm rượu bóp chữa sưng đau các khớp viêm; có người dùng dây lá phối hợp các loại lá khác sắc uống để trị huyết áp.