Lựa chọn tốt nhất: Nước ép rau
Uống nước ép rau tiện lợi và tốt cho sức khỏe. Lycopene trong nước ép cà chua có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nước ép củ cải đường hỗ trợ kiểm soát huyết áp. Nước ép các loại rau mềm có một số chất xơ (nhưng không nhiều như rau chưa chế biến) và chất xơ giúp giảm đói. Uống nước ép rau, bạn cũng nạp ít đường và calo hơn là các loại nước ép quả.
Nước ép tệ nhất: Nước quả hỗn hợp
Hãy cảnh giác với loại nước được gọi là “juice cocktail” hay nước/rượu hoa quả hỗn hợp hoặc thức uống hương trái cây, nước ép công nghiệp đóng chai. Hầu hết những sản phẩm này chỉ có một lượng nhỏ nước ép thật. Thành phần chính của chúng thường là nước, chút nước ép, một số loại chất làm ngọt, chẳng hạn như siro ngô nhiều đường fructose. Về mặt dinh dưỡng, những loại nước này chẳng khác gì nước ngọt: Nhiều đường và calo nhưng ít dưỡng chất. Thà uống nước lọc còn hơn.
Điểm tốt và xấu của nước hoa quả 100%
Vậy nước ép trái cây 100%, không thêm chất tạo ngọt thì sao? Đúng là nước trái cây 100% là nguồn tốt chứa các chất dinh dưỡng như vitamin C và kali. Vấn đề là quá nhiều nước trái cây có thể tăng nạp đường và calo. Nước ép cũng không chứa lượng chất xơ và các dưỡng chất thực vật như trái cây tươi. Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia khuyên chỉ nên dùng một khẩu phần nước ép mỗi ngày.
Các loại nước ép tốt cho sức khỏe
Nước ép lựu
Nếu bạn chỉ uống một cốc nước ép mỗi ngày, tất nhiên nên chọn loại tốt cho cơ thể. Nước ép lựu đứng trong tốp đầu danh sách này. Tuy nhiều đường và calo nhưng nước ép lựu cung cấp cho bạn nhiều chất dinh dưỡng có lợi được gọi là chất chống oxy hóa. Thực tế, sức mạnh chống oxy hóa trong nước ép lựu lớn hơn cả trong rượu vang đỏ và trà xanh.
Nước ép nam việt quất
Nước ép nam việt quất rất giàu vitamin C - chất hệ thống miễn dịch của bạn cần. Uống nước ép nam việt quất không đường cũng có thể giúp ngăn ngừa tích tụ vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiểu.
Nước ép nho đỏ
Có thể bạn từng nghe rằng rượu vang đỏ, uống vừa phải và điều độ, sẽ tốt cho tim. Điều tương tự cũng đúng với nước ép nho đỏ. Loại nước ép này chứa hợp chất flavonoids và resveratrol. Điều quan trọng là rượu vang đỏ và nước ép phải được làm từ nho nguyên trái, gồm đầy đủ cả hạt và vỏ. Nhưng bạn sẽ không nhận được chất xơ khi uống nước ép như lúc ăn quả tươi.
Nước ép mận
Nhiều người từng dùng nước ép mận từ lâu để giảm táo bón. Loại nước này hiệu quả bởi nó là nguồn chất xơ tuyệt vời và chứa chất nhuận tràng tự nhiên được gọi là sorbitol. Nhưng lợi ích của nước ép mận không dừng lại ở đó. Loại nước ép này cũng chứa đầy các chất chống oxy hóa, sắt và kali.
Nước ép củ cải đường
Nước ép củ cải đường được ưa chuộng vài năm gần đây nhờ các lợi ích sức khỏe nổi bật.
Được coi là một loại rau, củ cải đường tạo ra nước ép ít đường hơn nước ép từ các loại quả. Hơn nữa, củ cải đường còn là nguồn tuyệt vời chất betalains - sắc tố tạo ra màu tím đỏ đẹp mắt. Chúng đóng vai trò như các chất chống oxy hóa tiềm năng, có khả năng giảm nguy cơ bệnh tim, viêm nhiễm và một số loại ung thư.
Nước ép củ cải đường cũng giàu nitrate vô cơ - chất được chứng minh làm tăng kết quả tập luyện và giảm huyết áp cũng như nguy cơ bệnh tim.
Ngoài ra, nên nhớ rằng thành phần nitrate vô cơ trong nước ép củ cải đường còn tùy thuộc vào tình trạng phát triển của loại rau này cũng như phương pháp chế biến.
Nước ép cam có thật sự tốt?
Điểm tích cực là: Nước ép cam giàu vitamin C. Ngoài ra, loại nước ép này (nếu không thêm đường) còn ít đường hơn nước ép quả mọng hay nước ép nho nhưng lại không nhiều chất chống oxy hóa như các loại nước ép sẫm màu hơn như nước ép nho, quả nam việt quất hay lựu.
Trẻ em uống nước ép có tốt không?
Hầu hết trẻ em đều thích nước ép nhưng đừng cho trẻ uống quá nhiều. Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, không quá 118-180ml nước ép trái cây 100% mỗi ngày cho trẻ dưới 6 tuổi và 237-355ml đối với trẻ 7-18 tuổi.
Nếu trẻ thèm và muốn uống nhiều hơn 1 cốc nước ép mỗi ngày, bạn có thể pha thêm nước vào nước ép.