Hoa lay ơn (hoa dơn) |
Hoa lay ơn (hoa dơn) với tên khoa học là Gladiolus là loại hoa được sử dụng nhiều trong ngày tết truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên làm thế nào để giữ hoa lay ơn luôn tươi trong dịp tết thì không phải ai cũng biết.
Lay ơn là loài hoa có thân cành khá dài, mang nhiều hoa (15 - 20 hoa /cành), có lá xanh hình lưỡi kiếm, cánh hoa mỏng như hình cánh bướm nhìn rất hấp dẫn chính vì vậy nhiều người thường tìm các cách cắm hoa lay ơn nghệ thuật để trang trí cho không gian nhà thêm đẹp mắt.
Do được ưa thích nên những năm gần đây những bình hoa lay ơn có mặt ngày càng nhiều trong các phòng khách, phòng làm việc của các gia đình, cơ quan, công sở, nhất là vào những ngày lễ, ngày Tết. Thế nhưng cũng giống như những loài hoa có thân, cành mềm khác, hoa lay ơn cắm trong bình thường không giữ tuổi được lâu, vì chúng thường bị thối ở cuống gần vết cắt làm cho bông hoa nhanh bị héo, đôi khi có những nụ hoa còn bị héo trước khi nở. Vì vậy hãy bỏ túi ngay cách cắm hoa lay ơn dưới đây, vừa đẹp mắt để bày nhà dịp Tết Nguyên Đán lại vừa tươi lâu.
Mẹo giữ hoa lay ơn tươi lâu ngày Tết
Xúc rửa bình thật sạch: Trước khi cắm hoa phải xúc rửa bình thật sạch bằng xà bông rồi phơi khô ngoài nắng, nhất là những bình hoa đã cũ và thường cắm những loại hoa có thân cành mềm dễ gây thối nước như hoa huệ, thược dược,… Sau mỗi lần thay nước cũng phải xúc rửa bình thật sạch.
Cắt xéo cuống hoa: Cắt xéo vết cắt để tăng cường bề mặt hút nước cho cành hoa, đồng thời khi cắm mặt cắt không bị áp sát đáy bình, cành hoa hút nước dễ hơn.
Cắt dài cuống cành hoa: Nếu cắt hoa từ trên cây, nên cắt dài cuống cành hoa một chút để trước khi cắm vào bình bạn có thể cắt bỏ phần gốc của cành hoa khoảng 3 - 5cm (nơi có cột không khí trong ống mạch cản trở việc hút nước của cành hoa). Khi cắt bỏ đoạn gốc cành hoa phải nhúng cả gốc cành vào trong nước hoặc đưa gốc cành vào vòi nước đang cháy để cắt, sau đó cắm nhanh cành hoa vào bình. Làm như vậy nước trong bình sẽ tiếp xúc trực tiếp được với cột nước trong các ống mạch của cành hoa, tạo thành một cột nước liên tục chuyển đến các bộ phận của cành hoam giữ hoa tươi lâu hơn.
Cắm cành hoa vào nước ngay khi cắt: Sau khi rời khỏi cây mẹ, yêu cầu đầu tiên của cành hoa là nước, vì thế sau khi cắt phải cắm ngay cành hoa vào nước càng sớm càng tốt, để cành hoa luôn ở trong trạng thái trương nước, nếu không cành hoa dễ bị héo do chúng vẫn tiếp tục thoát hơi nước nhưng không được bổ sung nước. Nếu tình trạng thiếu hụt nước kéo dài, cành hoa sẽ không có khả năng tươi trở lại, hoặc nếu có tươi trở lại được thì cũng yếu sức, mau tàn.
Sử dụng nước sạch để cắm hoa: Phải sử dụng nước sạch để cắm hoa (có thể dùng nước ấm khoảng 38 - 40oC, vì nước ấm vận chuyển vào cành hoa nhanh hơn), không dùng nước có chứa nhiều Calcium, Magnesium. Nước có Fluor có thể hủy hoại mô lá, hoa, nếu nguồn nước có chứa Fluor phải chứa vào trong xô, chậu dự trữ chờ một vài ngày cho hóa chất này bay hết mời dùng để cắm hoa. Phải thay nước bình hoa hằng ngày, khi thay nước phải rửa sạch cuống hoa, nhất là phần cắm ngập nước. Nếu nhà đã có sẵn máy sục khí Ôzôn để rửa rau quả thì tốt nhất là nên dùng nước đã xục khí Ôzôn (sau khi xục khí Ôzôn nước đã được tiệt trùng, rất sạch) để cắm hoa, hoa sẽ tươi lâu hơn)
Cắt bỏ bớt lá phía dưới: Trước khi cắm cắt bỏ bớt lá phía dưới, không để lá bị ngập trong nước gây thối làm cho nước nhiễm khuẩn, vi khuẩn bám xung quanh gốc cành không những gây thối gốc cành, làm cho nước bị nhiễm khuẩn mà còn làm cho dòng nước hút vào trong cành bị chặn lại.
Mỗi khi thay nước nêm cắt bỏ phần bị thối ở gốc cành: Không nên để nước trong bình quá nhiều, chỉ để vừa đủ cắm ngập gốc cánh khoảng 3 - 5cm, vì việc hút nước chủ yếu được thực hiện ở chỗ vết cắt. Nếu cắm ngập sâu gốc cành dễ bị vi khuẩn gây thối. Có thể sử dụng một vài loại hóa chất như nước Javel, Sulfat đồng, thuốc tím,…(nồng độ 0,05 gram/lít) để ức chế vị sinh vật gây thối, hoa sẽ tươi lâu hơn
Không đặt bình hoa dưới ánh nắng: Không đặt bình hoa ở chỗ có ánh nắng trực tiếp chiếu vào (như cạnh cửa sổ), dưới mái tôn nóng, ở những chỗ thường có gió lùa, dưới quạt trần hoặc trên mặt tivi, radio…vì hơi nóng sẽ làm giảm tuổi thọ của hoa. Không khí nóng, gió làm cành hoa bị mất nước nhanh, trong khi chúng không kịp để bổ sung sẽ làm hoa bị héo, nhanh tàn. Vào buổi tối trước khi đi ngủ, nên đưa bình hoa vào phòng lạnh, chỗ mát hoặc ngoài sân để chúng “hứng sương”.
Thời điểm chọn hoa lay ơn: Khi học cách cắm hoa lay ơn, để giữ hoa được tươi lâu hơn, bạn cũng nên chú ý đến thời điểm chọn hoa. Nếu là hoa hồng trong vườn nhà thì các bạn nên cắt cành hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, là thời điểm tốt nhất trong ngày vì lúc này cây thoát hơi nước không nhiều, cành hoa đang chứa nhiều nước và carbohydrat như vậy hoa sẽ tươi lâu trong mấy ngày, không bị héo hoặc thối cành.
Ý nghĩa của hoa lay ơn
Trong phong thủy hoa lay ơn gọi là kiếm lan - có tác dụng xua đuổi năng lượng xấu, đem đế sự may mắn, bình an cho gia chủ. Hoa được làm quà tặng người yêu, một thời hoa lay ơn luôn
được dùng trong đám cưới, kết thành bó với dải hoa hồng bạch để chú rể trao hoa đón cô dâu về tổ ấm.
Hoa lay ơn có rất nhiều màu sắc khác nhau, ý nghĩa phụ thuộc vào các màu sắc:
Hoa lay ơn đỏ thể hiện cho tình yêu say đắm. Ngày Tết còn thể hiện cho sự may mắn.
Hoa lay ơn trắng thể hiện cho sự cao cả, sự ngây thơ, tinh khiết.
Hoa lay ơn hồng nhạt tượng trưng cho sự ngưỡng mộ, sự nữ tính.
Hoa lay ơn hồng đậm thể hiện lòng biết ơn, chân thành.
Một đóa lay ơn vàng tượng trưng cho lời xin lỗi.
Hoa lay ơn tím để gửi đến người ấy thông điệp ý nghĩa: "Anh yêu em“.
Hoa lay ơn xanh tượng trưng cho tình yêu thật lòng từ trái tim.