Hoàng đàn là loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, được xếp ở mức độ rất nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. |
Loài cây được ví như vương mộc vô giá
Gỗ Hoàng đàn là một dòng gỗ cực kỳ quý hiếm, được mệnh danh là vị vua, chúa tể của các dòng gỗ thơm trên đất nước Việt Nam ta.
Cây Hoàng đàn là loại cây thuộc họ thông, có dáng hình tháp. Cái tên Hoàng đàn cũng đã phần nào nói lên sự quý giá của dòng gỗ này. Thuộc họ nhà thông nên dòng gỗ này có khá nhiều tinh dầu.
Loại gỗ này có nguồn gen quý hiếm thuộc nhóm I. Hiện nay đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam được bảo tồn.
Đặc tính của gỗ Hoàng đàn là có nhiều tinh dầu, tỏa ra mùi thơm ngọt có vị sâm rất dễ chịu. Gỗ có màu vàng nhạt hoặc sậm tùy theo từng phôi gỗ ( nhiều hay ít tinh dầu).
Khi tinh dầu do gỗ tiết ra, gặp không khí tạo thành một lớp kết tủa màu trắng như tuyết. Lớp kết tinh này rất bắt mắt và kỳ bí, như những bông tuyết đọng lại trên lá cây. Đây cũng là một đặc tính hết sức đặc trưng của dòng gỗ quý này. Và cũng chính vì vậy mà gỗ này còn hay được gọi là Hoàng Đàn Tuyết.
Ví giá trị kinh tế cao nên cây hoàng đàn bị khai thác tận diệt. |
Vì thuộc họ nhà thông, cây có hình tháp đẹp mắt. Cây Hoàng đàn trưởng thành cao có thể lên tới trên 30m. Nếu đường kính trên 80cm ( tuổi thọ lên đến hàng trăm năm). Vỏ cây có màu xám nâu và nứt dọc. Trong lớp vỏ là lõi màu vàng và có mùi thơm đặc trưng.
Lá có hình vảy dài từ 2-6mm, sắp xếp thành các cặp mọc đối, chéo hình chữ thập. Cây non 1-3 năm tuổi có là hình kim dài từ 5-15mm.
Quả Hoàng đàn hình cầu hoặc hình trứng, nón quả dài khoảng 40mm, có từ 4 tới 14 vảy xếp thành những cặp mọc đối chéo tương tự như lá. Thời kỳ ra hoa từ tháng 3-4, mùa chín của hạt là tháng 10-12.
Cây có một đặc trưng sinh học rất tốt, đó là có khả năng thích nghi với các vụ cháy rừng. Chúng giữ hạt trong các nón khép kín nhiều năm cho đến khi cây cha mẹ bị lửa thiêu cháy. Sau đó, hạt được giải phóng để sinh trưởng và phát triển trên vùng đất trần trụi vừa bị lửa thiêu sạch. Là loại cây có sức sống rất mãnh liệt trên núi đảo, nơi mà rất ít loại cây có thể tồn tại. Chỉ cần một kẽ nứt nhỏ, Hoàng Đàn sẽ nhú mầm mà vươn lên.
Thời kỳ ra hoa của hoàng đàn từ tháng 3-4, mùa chín của hạt là tháng 10-12. |
Cây Hoàng đàn phân bố hẹp ở các dải núi đá vôi cao chót vót ở khu vực miền bắc nước ta. Loại cây này xuất hiện trải dài từ Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan đến Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn. Ngoài ra, giống cây lấy gỗ này còn được khai thác ở vùng Thạch An, Cao Bằng và Na Hang ở Tuyên Quang.
Hoàng đàn dù là chủng loại nào đều sẽ sinh trưởng chậm, thường phải cả trăm năm mới cho thu hoạch nên không thể thỏa mãn nhu cầu sưu tầm hoàng đàn của giới thượng lưu. Điều này cũng là một lý do khiến các quốc gia đưa tên giống cây vào danh sách các loài thực vật rừng nguy cấp cần được bảo vệ.
Sưu tầm cây vương mộc bất ngờ sở hữu cả gia tài
Hiện loài hoàng đàn chỉ còn phân bố trong một khu vực hẹp trên núi đá vôi của Khu bảo tồn tự nhiên Hữu Liên. Trên diện tích hơn 8.200 ha của khu bảo tồn hiện chỉ còn 7 cá thể hoàng đàn sinh trưởng và phát triển. Đa số đều sinh trưởng trên những vách đá treo leo rất khó tiếp cận.
Trên địa bàn xã Hữu Liên, một số hộ gia đình sống trong rừng đặc dụng đã có ý thức sưu tầm, mang cây con về trồng trong vườn nhà; một số hộ sử dụng phương pháp giâm hom từ cây mẹ để phát triển loài cây quý này. Các cây được trồng trong vườn nhà sinh trưởng tốt, đặc biệt, một số cây đã cho nón.
Hiện có 86 cây hoàng đàn được trồng tại 25 hộ gia đình tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, 42 cây có nguồn gốc từ tự nhiên, 44 cây được nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Các cây có chiều cao trung bình khoảng 5m, tuổi trung bình từ 15 đến 20 năm.
Cây Hoàng đàn được ươm giống thành công tại xã Hữu Liên. |
Một trong những hộ trồng thành công cây hoàng đàn là anh Hoàng Hữu Khương (xã Hữu Liên) cho biết Khương kể vào những năm 90 ở vùng rừng Hữu Liên xuất hiện tình trạng săn cây hoàng đàn khủng khiếp, tới mức sạch bách.
Lúc đó nước ta mới mở cửa biên giới, giá hoàng đàn đắt như vàng, người dân khi ấy thiếu thốn nên người ta tìm đến bất kể mỏm núi, thung khe nào có hoàng đàn mọc là khai thác, đào cả rễ lên để mang bán, chỉ có một số cây con bé như chiếc đũa không làm gì được thì mang về nhà trồng. Hiện, trong xã có khoảng hơn chục cây được trồng như thế.
Hiện những cây hoàng đàn của nhà anh Khương cao khoảng 6m, đã cho thu hoạch quả. Thời gian qua có người hỏi mua và sẵn sàng trả trên 1 tỷ đồng nhưng vợ chồng anh không bán.
Vì giá trị của cây hoàng đàn nên gần đây giá cây giống cũng rất đắt đỏ. Tại xã Hữu Liên, người dân ươm giống cây hoàng đàn số lượng cây giống làm tới đâu, khách đặt mua hết tới đó. Kể cả khách ở những tỉnh xa như Bình Dương, Đồng Nai cũng tìm ra tận Hữu Liên để đặt mua vì nơi đây mới có cây giống chuẩn. Mỗi cây giống nhỏ như que tăm cũng có giá lên tới 200 nghìn đồng/cây.
Nhờ ươm và bán cây giống Hoàng đàn, nhiều hộ gia đình thu về vài trăm triệu mỗi năm. |
Nhờ cây hoàng đàn lâu năm, gia đình anh Khương mỗi năm thu hoạch được hơn 2.000 hạt. Vợ chồng anh ươm làm cây giống, mỗi năm thu được 300-400 triệu đồng. Anh Khương cũng tiết lộ việc ươm giống cây hoàng đàn rất kỳ công vì hoàng đàn rất kén đất.
"Riêng đất thì phải đi mua đất đồi về, hợp thổ nhưỡng thì ươm hạt hoàng đàn xuống mới mọc được lên cây. Nếu dùng đất ruộng, hay đất bẩn thì không bao giờ cây nảy mầm được" anh Khương cho biết thêm.
Gỗ hoàng đàn được đánh giá là vua của các loài gỗ bởi hương thơm dịu nhẹ thanh khiết. Từ thời phong kiến các bậc vua chúa đã sử dụng để chế thành các loại vòng đeo tay rất quý phái. Do giá trị kinh tế cao, lại phát triển chậm nên cây hoàng đàn dần bị tận diệt. Nhờ sự nỗ lực bảo tồn của Ban quản lý Khu bảo tồn tự nhiên Hữu Liên và người dân địa phương đã giữ lại được cây gỗ quý không bị tuyệt chủng, góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng cao./.