Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ Công Thương công bố mới đây, theo thông báo khởi xướng điều tra của Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu (painted steel strapping) có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc (vụ việc 553).
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), nguyên đơn là Công ty TNHH Signode Australia cáo buộc các chương trình trợ cấp của Chính phủ Việt Nam đã bóp méo thị trường, tạo ra lợi thế chi phí thấp để doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bán phá giá sang thị trường Australia.
Cụ thể, sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá có mã HS 7212.40.00, là dây đai thép cacbon phủ màu, cuộn hoặc không cuộn, có hoặc không được đánh bóng bằng sáp, với chiều rộng danh nghĩa từ 12mm đến 32mm, độ dày danh nghĩa từ 0,5 mm đến 1,5 mm. Trong đó, riêng mặt hàng dây đai thép không gỉ (stainless steel strapping) và dây đai thép mạ kẽm (galvanized steel strapping) được loại trừ khỏi phạm vi điều tra.
Trong khi Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong danh sách quốc gia bị điều tra chống bán phá giá, thì Trung Quốc còn bị điều tra thêm về chống trợ cấp.
Thời kỳ điều tra bán phá giá và trợ cấp là từ 01/4/2019 đến 31/3/2020.
Thời kỳ điều tra thiệt hại là từ 01/4/2016.
Một số mốc thời gian doanh nghiệp cần lưu ý trong vụ việc:
Ngày khởi xướng điều tra: 27/5/2020.
Hạn cuối nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra: 03/7/2020.
Ngày sớm nhất để ban hành Kết luận điều tra sơ bộ (PAD): 26/7/2020 (Nếu Kết luận sơ bộ không được ban hành thì Báo cáo tình trạng vụ việc tại ngày thứ 60 sẽ được công bố vào ngày này).
Ngày muộn nhất ban hành dữ kiện trọng yếu (SEF): 14/9/2020.
Các đệ trình liên quan tới dữ kiện trọng yếu (SEF): trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF.
Ngày muộn nhất ban hành Kết luận điều tra cuối cùng: 29/10/2020.
Ngày Bộ trưởng chính thức ra quyết định (dự kiến): Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận điều tra cuối cùng.
Trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, các doanh nghiệp cần hợp tác toàn diện với ADC, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi.
Liên quan đến vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Australia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do Nguyên đơn đề xuất. Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Australia và/hoặc các đối thủ từ Trung Quốc.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan liên lạc với ADC để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định; Nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu (bản công khai); Đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định.
Đồng thời, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ yêu cầu, đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định (trước ngày 3/7/2020).
Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, các doanh nghiệp cần hợp tác toàn diện với ADC, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi.
Bên cạnh đó, cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và thống nhất các nội dung trả lời liên quan tới các chương trình bị cáo buộc trợ cấp hoặc tình hình thị trường đặc biệt trong vụ việc.
Hồng Nga