Ăn hành muối có tốt không?
Cùng với dưa muối, hành muối chua là món ăn được nhiều người lựa chọn giải ngán ngày Tết. |
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để giải quyết tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ấm ách sau khi ăn trong những ngày Tết, ngoài việc chú ý ăn cân đối các nhóm thực phẩm, có thể ăn thêm các loại thực phẩm lên men như dưa muối, hành muối nhằm tăng cường nhu động ruột, kích thích tiêu hóa.
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia công nghệ thực phẩm) cho biết, ngày Tết các gia đình thường chuẩn bị những món ăn như giò, bánh chưng, thịt gà, thịt đông... đều là món ăn giàu đạm, chất béo. Vì thế để chống ngán nhiều người thường muối dưa, hành để ăn kèm. Dưa, hành muối chua là món ăn phù hợp để chống ngán, nhưng cần biết cách ăn để không rước bệnh.
"Nếu gia đình không tự muối, phải mua dưa ngoài chợ cần tránh mua dưa muối ở thùng sơn. Loại dưa này bề ngoài có thể sạch, nhưng thực chất khi muối trong dụng cụ không phù hợp có thể tạo phản ứng với nhựa, hình thành chất gây hại cho sức khỏe", ông Thịnh chia sẻ.
Hành muối chua là món ăn được nhiều người lựa chọn giải ngán ngày Tết. Ăn hành muối giúp tiêu hóa dễ hơn vì chúng chứa nhiều lợi khuẩn probiotic. Đồng thời, hành là loại củ có tính chất cay nóng và ấm. Ăn hành muối giúp làm ấm cho cơ thể trong mùa đông và tiêu hoá tốt hơn.
Ngoài ra, dưa hành cũng chứa các chất chống oxy hóa, tác dụng bảo vệ các tế bào trong cơ thể, chống lại các gốc tự do. Tuy nhiên, chỉ khi ăn dưa hành với lượng vừa phải mới có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Những nguy cơ tiềm ẩn của món dưa hành muối ngày Tết
Ăn quá nhiều dưa hành muối có thể gây ra nguy cơ ung thư. |
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), dưa và hành muối là món ăn truyền thống, ăn lượng vừa đủ, chất lượng đảm bảo sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, dưa hành muối có vị chua và lượng muối khá cao, do đó nếu tiêu thụ quá nhiều dưa hành, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp của cơ thể. Món ăn này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ đối với sức khỏe nếu không được sử dụng đúng cách.
Hàm lượng muối cao: Nếu ăn quá nhiều thì dễ gây hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí khiến cho sức khỏe gặp vấn đề, nhất là những người có bệnh lý huyết áp, tim mạch, thận. Cả hành và dưa muối đề qua quá trình ủ muối lên men, để tạo được độ chua cần thời gian dài, sẽ khiến lượng muối ngấm sâu vào thực phẩm, khi ăn sẽ nap một lượng muối khá lớn vào cơ thể khiến cơ thể bị thừa muối, gây áp lực lên thận, làm tăng huyết áp
Nguy cơ gây ung thư: Theo các chuyên gia, ăn quá nhiều dưa hành muối có thể gây ra nguy cơ ung thư. Trong quá trình lên men, dưa hành muối có thể sản sinh ra nitrit. Thói quen của người Việt là ăn kèm dưa hành với các món mặn có hàm lượng đạm và protein cao, khi đó nitrit có trong dưa hành muối tạo phản ứng với các amin trong thức ăn và tạo thành hợp chất nitrosamine - một chất gây ung thư.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Lượng acid cao trong dưa hành muối có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng thêm các bệnh lý về dạ dày như viêm loét, trào ngược. Việc tiêu thụ quá nhiều dưa hành muối có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy.
Nguy cơ nhiễm khuẩn: Nếu quá trình làm dưa hành muối không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn có thể phát triển gây ngộ độc thực phẩm. Nếu nguyên liệu ban đầu đã chứa một lượng nhỏ nitrat (ví dụ: rau củ trồng bằng phân bón chứa nitrat), vi khuẩn có thể chuyển hóa một phần nitrat này thành nitrit trong quá trình lên men. Nitrit nguyên chất sẽ gây ngộ độc nếu chúng ta tiêu thụ chúng với hàm lượng lớn. Chính vì thế, ăn dưa hành muối quá nhiều có nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, thậm chí gây tử vong.
Nên ăn hành muối như thế nào để an toàn trong ngày Tết?
Dưa hành muối bị váng mốc hay còn gọi là bị khú thì không nên ăn vì những loại này chứa nhiều nitrosamine có nguy cơ gây ung thư. |
Chọn loại dưa hành muối chất lượng: Nếu mua ngoài, nên chọn mua dưa hành muối từ những cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốt nhất là nên tự muối dưa hành tại nhà để có thể điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản. Khi muối nên đảm bảo tiệt trùng bằng nước sôi hoặc phơi nắng dụng cụ muối (lọ thủy tinh, lọ sứ, gốm, lọ inox chuyên dụng)... sẽ bảo vệ các sản phẩm an toàn.
Hạn chế lượng ăn: Ông Thịnh khuyến cáo, dù ngon miệng khi kết hợp cùng giò xào hay bánh chưng, nhưng chỉ nên ăn mỗi bữa 2 - 3 củ hành muối chua, tốt nhất không nên ăn quá 3 lần/tuần vì dưa hành có tính nóng, ăn nhiều gây ngứa ngáy, khó chịu
Kết hợp với các thực phẩm khác: Khi ăn nên kết hợp dưa hành muối với các món ăn khác để cân bằng hương vị và giảm thiểu tác hại.
Rửa trước khi ăn: Nên rửa dưa hành muối với nước lọc trước khi ăn để loại bỏ bớt muối. Để giảm bớt lượng muối bạn có thể bóc bỏ vài lớp vỏ bên ngoài rồi lấy phần dưa trắng bên trong ngâm với nước trước khi ăn. Theo ThS.BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa, trước khi ăn nên rửa nhiều lần sẽ giúp giảm độ mặn và độ chua của dưa hành muối. Dưa muối ăn thừa không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong lọ. Dùng muỗng, đũa sạch để gắp dưa hành, đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Không ăn dưa hành muối xổi, dưa bị khú: Dưa hành muối bị váng mốc hay còn gọi là bị khú thì không nên ăn vì những loại này chứa nhiều nitrosamine có nguy cơ gây ung thư. Không được ăn dưa hành muối khi thấy dưa có váng mốc hoặc bị mốc đen bởi vì mốc chính là những loại nấm chứa các loại độc tố có thể gây ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh, tim, phổi...
Những người không nên ăn dưa muối, hành muối
Lượng muối trong dưa và hành quá lớn, trong khi người mắc các bệnh này cần ăn giảm muối hơn bình thường. |
Bác sĩ Hưng tư vấn, một số người sau không nên ăn dưa, hành muối chua:
Người mắc bệnh dạ dày: Ngoài việc chứa nhiều muối, dưa, hành muối chua có nhiều acid, ăn quá mức gây tăng tiết dịch vị dạ dày, ảnh hưởng đến niêm mạc, khiến tình trạng viêm, loét nặng nền hơn.
Phụ nữ mang thai: Dưa, hành muối chua có thể gây kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mang thai cần ăn nhạt hơn để tránh bị phù, nhiễm độc thai nghén.
Người mắc bệnh thận, tăng huyết áp: Lượng muối trong dưa và hành quá lớn, trong khi người mắc các bệnh này cần ăn giảm muối hơn bình thường. Ăn quá nhiều dưa, hành muối cơ thể bạn nạp một lượng lớn natri, làm tăng nguy cơ gây bệnh huyết áp, thận hoặc khiến tình trạng càng nặng. Đặc biệt, ở bệnh nhân bị suy thận, khả năng đào thải natri kém, việc ăn dưa muối có thể làm ứ đọng muối trong cơ thể, dẫn tới gây phù, tăng huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, dưa, hành muối là món ăn đưa cơm, ngon miệng nhưng chúng ta nên dùng hạn chế. Các gia đình có thể lựa chọn nhiều món ăn chống ngán khác trong ngày Tết, như rau xanh vừa giúp chống ngán, vừa giúp quét mỡ thừa trong cơ thể. Chế biến rau xanh thành các món nộm cũng là lựa chọn an toàn hơn dưa muối.