Xuất nhập khẩu duy trì đà tăng
Sáng 6/4, Cục Thống kê – Bộ Tài chính đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, về xuất nhập khẩu, trong tháng 3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%.
![]() |
Xuất nhập khẩu quý I/2025 đạt 202,52 tỷ USD |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 38,51 tỉ USD, tăng 23,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,08 tỉ USD, tăng 32,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27,43 tỉ USD, tăng 20,7%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 tăng 14,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,9%.
Tính chung quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15,0%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9,0%, chiếm 71,8%.
Trong quý I/2025 có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,9%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2025, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 0,75 tỷ USD, chiếm 0,7%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 90,92 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 8,86 tỷ USD, chiếm 8,6%; nhóm hàng thủy sản đạt 2,31 tỷ USD, chiếm 2,3%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước.
Tính chung quý I/2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 19,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 62,9 tỷ USD, tăng 15,8%.
Trong quý I/2025 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 77,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 44,4%).
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,1 tỷ USD.
Trong quý I/2025, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ đạt 27,3 tỷ USD tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,9 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,6 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2024; nhập siêu từ Trung Quốc 24,9 tỷ USD, tăng 43,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 7,1 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập siêu từ ASEAN 3,8 tỷ USD, tăng 83,2%.
Tính chung quý I/2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,7 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,76 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,92 tỉ USD.
Tháo gỡ điểm nghẽn cho hoạt động xuất nhập khẩu
![]() |
Thủ tướng nhấn mạnh việc Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hoá từ thị trường Hoa Kỳ về 0%.. |
Thời gian tới, xuất nhập khẩu hàng hoá dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do những chính sách thuế trên thị trường. Đặc biệt là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức thuế cao nhất, lên tới 46%.
Tối ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Diện thuế áp dụng rộng với mức 46% sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mức thuế này có thể làm sụt giảm từ 30–40 tỷ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ áp thuế cao cũng khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.
"Việt Nam có thể phải giảm thuế cho nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp; mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; tạo ưu đãi cho Hoa Kỳ trong việc tham gia các dự án cụ thể tại Việt Nam. Còn đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có thể yêu cầu họ giảm thuế tương ứng cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta – 16 danh mục chính, chiếm khoảng 91–92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, đối với đối tác quan trọng hàng đầu là Hoa Kỳ, tại cuộc họp thứ 2 của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam chiều 5/4, Thủ tướng nhấn mạnh việc Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hoá từ thị trường này về 0%.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của Hoa Kỳ.
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu tổng thể, chiến lược là vẫn phải ổn định đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; ổn định để phát triển, phát triển để ổn định; nhân dân phải được ấm no, hạnh phúc, được tự do kinh doanh, được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tới là không thay đổi để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu mối quan trọng của phía Hoa Kỳ; Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp để phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán. Thủ tướng lưu ý, trong đàm phán với Hoa Kỳ cần chú ý tránh ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác khác.
![]() |
![]() |
![]() |