Xuất nhập khẩu đã vượt mốc 600 tỷ USD Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt 100 tỷ USD Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng |
Dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chục tỷ USD. |
Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 619,35 tỷ USD. Cụ thể, tháng 11, xuất khẩu hàng hoá đạt 31,12 tỷ USD, giảm 3,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, đây là tháng thứ 5 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt con số hơn 30 tỷ USD/tháng (tháng 7 đạt 30 tỷ USD; tháng 8 đạt 32,37 tỷ USD; tháng 9 đạt 31,41 tỷ USD, tháng 10 đạt 32,3 tỷ USD).
Kết quả trên đưa kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng lên 322,6 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, mức giảm của kim ngạch xuất khẩu đã được cải thiện tương đối tích cực nếu so với sự suy giảm lên đến 2 con số của những tháng đầu năm.
Hết tháng 11 có 7 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, trong 7 nhóm hàng lớn kể trên chỉ có 2 nhóm hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2022 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải, phụ tùng. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 51,64 tỷ USD, tăng 1,22%; phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 12,62 tỷ USD, tăng 16,1%.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11 đạt 29,58 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Xu hướng tăng của kim ngạch nhập khẩu chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất cuối năm.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 296,75 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 619,35 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư với con số 25,85 tỷ USD.
Nguyên nhân xuất khẩu tăng liên tiếp trong 4 tháng qua là do nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhiều chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành phù hợp với thực tiễn.Trước đó, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do cầu thế giới giảm, lạm phát diễn ra ở các nước, tồn kho các nước tăng cao, ảnh hưởng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, những tháng gần đây xuất khẩu đã có sự khởi sắc, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có xu hướng tăng như: máy tính, điện thoại, dệt may, linh kiện điện thoại, gỗ…
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nên tình hình xuất nhập khẩu trong tháng cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm…
Để giảm bớt những khó khăn nêu trên cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.