Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong tháng 7/2020 đạt 51,3 triệu USD và giảm nhẹ 3,2%. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 291,2 triệu USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng cơ cấu xuất khẩu, mực chiếm 55%, và bạch tuộc chiếm 45%. Trong đó, xuất khẩu bạch tuộc chế biến (HS 16) giảm mạnh nhất gần 30%. Mực khô/nướng (HS 03) là mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương 18% đạt gần 66 triệu USD. Xuất khẩu mực chế biến khác (HS 16) và mực sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm lần lượt 13% và 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu mực sang Trung Quốc tăng 86% trong tháng 7/2020
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đứng thứ 5 của Việt Nam, chiếm 7,6% tỷ trọng. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc trong tháng 7/2020 tăng 84% đạt 4,3 triệu USD. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc đạt trên 22 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ 2019. Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay.
Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay.
Theo đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong 2 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ tháng 3 năm nay, dịch bệnh Covid tại Trung Quốc bớt căng thẳng cộng với các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản dần nới lỏng các biện pháp cách ly phòng chống dịch bệnh nên nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Trung Quốc phục hồi.
Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...
Tháng 7/2020, trong 5 thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Xuất khẩu sang Nhật Bản và EU vẫn chưa thể tăng.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,2% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường. Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 20,4% trong tháng 7/2020. Tuy nhiên, do giảm trong các tháng trước đó nên xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này vẫn giảm 10,6% trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 123 triệu USD.
VASEP cho biết, giá xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ giảm do dịch Covid-19 là một trong những yếu tố tác động tới xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Hàn Quốc 7 tháng đầu năm nay. Trong những tháng gần đây, dịch Covid-19 tại Hàn Quốc giảm bớt căng thẳng hơn so với quý 1/2020 nên xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tránh được đà giảm sâu thêm. Đồng thời, lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) phần nào giúp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này.
Nhật Bản đứng thứ 2 về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,7%. xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 69 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm như mực nang đông lạnh, mực ống cắt khoanh đông lạnh, mực ống nguyên con làm sạch sushi ăn liền đông lạnh, mực ống đông lạnh Geso,…
Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU vẫn chịu tác động của thẻ vàng IUU, cộng thêm tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại lĩnh vực dịch vụ thực phẩm giảm.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU đạt trên 22 triệu USD và giảm gần 44%. Xuất khẩu trong những tháng cuối năm kỳ vọng được cải thiện khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 khi mực, bạch tuộc chế biến sẽ được hưởng thuế 0%.
VASEP nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế trên toàn thế giới, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của thế giới và của Việt Nam thời gian tới dự kiến vẫn giảm. Dự kiến, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 18% đạt gần 473 triệu USD.
Mai Quỳnh