Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, cũng như xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050. Các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.
Phát biểu tại sự kiện DxHub với chủ đề “Định hướng chuyển dịch năng lượng bền vững và thực tiễn triển khai cho doanh nghiệp sản xuất”, Giám đốc Tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch, do đó khi nhu cầu năng lượng tăng sẽ kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng lên đáng kể. Do vậy, để đạt được mục tiêu đã cam kết theo COP26, việc chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn diện các lĩnh vực, đặc biệt khối doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, là yêu cầu bắt buộc.
"Năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép, vừa nâng tầm năng lực cạnh tranh đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan đối với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Điều này càng trở nên thuận lợi hơn trong bối cảnh chi phí vận hành, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… trong những năm gần đây đang có xu hướng ngày một rẻ hơn", ông Minh chỉ rõ.
|
Ngoài ra, Giám đốc Tư vấn FPT Digital cũng cho rằng việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo cũng được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích từ phía chính phủ, bao gồm các gói tài trợ, thuế và ưu đãi khác, giúp giảm tổng chi phí đầu tư ban đầu. Trong dài hạn, doanh nghiệp áp dụng năng lượng xanh sẽ được nhà đầu tư đánh giá cao hơn do tiềm năng tạo ra lợi nhuận bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt hơn với các bên từ nhân sự tới khách hàng, nhà cung cấp, đối tác…, khi họ đáp ứng ngày các tốt các yêu cầu về môi trường và xã hội.
Tuy vậy, việc tự sản xuất năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió, hoặc năng lượng sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng lại đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn và kiến thức kỹ thuật phức tạp.
Ông Trần Quốc Hải, Giám đốc Giải pháp Năng lượng bền vững tại SP Group Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tự đầu tư hệ thống sản xuất năng lượng xanh, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể mua lại năng lượng từ các bên cung ứng như SP Group, tùy theo nhu cầu, mục tiêu kinh doanh, và điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Lựa chọn này bên cạnh việc linh hoạt và nhanh chóng hơn, còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực đầu tư.
Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam cho rằng còn một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Đầu tiên là vấn đề bất đồng bộ hạ tầng lưới điện. Sự không đồng đều trong phát triển hạ tầng lưới điện có thể làm hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống mạng lưới, đặc biệt là ở những khu vực xa trung tâm.
Thứ hai, thị trường năng lượng ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư trong ngành năng lượng sạch.
Đại diện FPT Digital cũng đưa ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp chuyển đổi năng lượng cùng chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số sẽ giúp kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh, hiệu quả, chính xác trên toàn bộ chuỗi giá trị doanh nghiệp. Đây đều là các hướng chuyển đổi mang tính chiến lược của doanh nghiệp. Nếu kết hợp một cách đồng bộ, toàn diện sẽ tạo nên chiến lược chuyển đổi kép, giúp doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt và hướng tới phát triển bền vững.