Xã Hồng Hà thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Đặc biệt là bảo đảm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Hồng Hà. |
Tính riêng từ năm 2021 đến nay, xã Hồng Hà đã huy động được gần 96 tỷ đồng; trong đó nguồn lực xã hội hóa do tổ chức, doanh nghiệp và người dân địa phương đóng góp khoảng 13,4 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, nhân dân còn tích cực tham gia chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, chăm sóc vườn hoa, cây xanh, cải tạo môi trường tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp…
Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Với sự hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước, sự đồng tính, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đến nay, diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay tích cực. Đặc biệt, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân hiện đạt hơn 76,3 triệu đồng/năm. Toàn xã hiện không còn hộ nghèo.
Việc đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Hồng Hà được thực hiện bài bản, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Chính vì vậy, đến nay xã không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Tình hình an ninh trật tự ổn định. Bên cạnh không có tiêu chí nông thôn mới nâng cao nào bị điểm 0, xã cũng đã xây dựng được mô hình thôn thông minh tại Cụm dân cư số 4.
Căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội và Hướng dẫn số 228/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng đã rà soát, đánh giá xã Hồng Hà đủ điều kiện để đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội xem xét đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đối với hai lĩnh vực là y tế và giáo dục - đào tạo.
Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc
Trong chiều 8/3, các thành viên đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của xã Hồng Hà. Đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Hà đã đạt được, thành viên đoàn cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Giao thông sạch đẹp ở Hồng Hà. |
Trên cơ sở ý kiến giải trình, xem xét kỹ lượng hồ sơ, tài liệu minh chứng, thành viên đoàn thẩm định thống nhất xã Hồng Hà đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên hai lĩnh vực là: Y tế và giáo dục - đào tạo.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận định: những năm qua, huyện Đan Phượng luôn được xem là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của Hà Nội và cả nước. Đến nay, toàn huyện đã có 11 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu - nhiều nhất trong số các huyện, thị xã của Hà Nội.
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. “Không phải đạt nông thôn mới rồi mà chúng ta dừng lại. Bao giờ xã thành phường, huyện thành quận thì mới tính đến việc không làm nông thôn mới nữa….” - ông Ngôn nhấn mạnh.
Trưởng đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội cũng cho rằng: Công cuộc xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nếu cán bộ không chịu khó, không chịu khổ, không chịu va chạm thì khó có được kết quả tích cực, người dân khó được hưởng lợi từ chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Hồng Hà, ông Ngôn đề nghị chính quyền địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn thẩm định. Bám sát, phối hợp chặt chẽ cùng phòng ban của huyện Đan Phượng và các sở ngành để sớm hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.