Xây dựng hệ thống tín chỉ các bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn các-bon giảm phát thải Kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ |
Việt Nam có thể kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon. |
Tiềm năng lớn
Tín chỉ carbon đang là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều thời gian gần đây, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nước tính đến năm 2022.
Trên thực tế, trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, với tổng giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam với 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng, được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình khí sinh học, đến nay Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD.
Rừng được đánh giá có khả năng hấp thu khí carbon nhiều nhất. Trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). WB đã thanh toán toàn bộ số tiền nêu trên cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
Theo tính toán, chỉ riêng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải). Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có tiềm năng bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.
Tại tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam” mới đây, đại diện của WB cho biết thông qua Cơ chế REDD+ (Cơ chế giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), một số tổ chức quốc tế ký kết với chính quyền địa phương hoặc quốc gia để chi trả tài chính nhằm hạn chế nạn phá rừng và phục hồi rừng. Tổng giá trị của thị trường carbon từ rừng trên toàn thế giới được chi trả năm 2023 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD và tất cả đều thông qua Cơ chế REDD+.
Trong vòng 3 năm gần đây kể từ năm 2020, chi phí chi trả cho tín chỉ hấp thụ carbon rừng đều tăng trưởng 10%/năm. Giá trung bình mỗi tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng hiện đang dao động khoảng từ 1,62 USD/tấn đến 8,99 USD/tấn, nhưng phần lớn được các tổ chức quốc tế chi trả ở mức 5 USD/tấn tín chỉ. Dự kiến đến năm 2030, tổng giao dịch tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (gấp 10 lần so với năm 2021).
Nhiều ngành sẽ hái ra tiền
Ông Nguyễn Võ Trường An - phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) - cho biết thị trường tín chỉ carbon năm 2024 của Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng lên đến 20%.
Nguyên nhân là do Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực giảm phát thải khí nhà kính từ các hiệp định quốc tế như thỏa thuận Paris và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo ông An, ngoài rừng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo hay trồng cây xanh đô thị. Việt Nam có tiềm năng lớn khi có nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện dồi dào. Các dự án năng lượng tái tạo có thể tạo ra tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải khí nhà kính do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tương tự, TS Nguyễn Hồng Quân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - cho hay dư địa tín chỉ carbon năm 2024 còn lớn, không chỉ từ rừng mà còn các ngành năng lượng tái tạo, nông nghiệp...
Trong đó ngành nông nghiệp đặc biệt tiềm năng nhờ các hoạt động cải thiện điều kiện canh tác tương đối dễ dàng, có thể chuyển đổi nhanh chóng.
Ngoài ra nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, sản xuất công nghiệp, giao thông, vận tải xây dựng cũng là lĩnh vực tiềm năng, song các lĩnh vực này cần nhiều thời gian, nguồn lực lớn để thay đổi về hạ tầng, kỹ thuật, đầu tư máy móc.
Ông Phạm Đăng An cho hay tiềm năng thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam rất lớn và đang có cơ hội thuận lợi để phát triển. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều doanh nghiệp cũng đã cam kết và đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon. Nhu cầu tín chỉ carbon lớn là cơ hội để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông An cho rằng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ chưa thể sôi động ngay trong năm 2024 do nước ta mới đang trong quá trình xây dựng thị trường, dự kiến sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025 và sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028.