![]() |
Liên minh Châu Âu (EU) hiện đang đi đầu với nhiều giải pháp về chính sách, tài chính và công nghệ cho mục tiêu giảm phát thải. Sau khi triển khai Hệ thống Thương mại Khí thải (EU ETS) nhằm cắt giảm khí thải của tất cả các ngành công nghiệp trong nội khối EU, họ đang tiếp tục hướng tới việc ngăn chặn sự rò rỉ khí thải của các ngành công nghiệp nội địa ra bên ngoài và tạo ra một sân chơi công bằng cho hàng hòa nội địa với hàng hóa nhập khẩu.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị viện EU đã đề xuất và chuẩn bị thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). Chính sách này dự kiến sẽ có những tác động không nhỏ tới các quốc gia đang phát triển, trong đó tác động chủ yếu là tới các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nội dung chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon
Tháng 7 năm 2021, Ủy ban Châu Âu đã trình đề xuất về quy định thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). Đề xuất chính sách này hiện đang ở giai đoạn cuối cùng của quy trình pháp lý khi Hội đồng và Nghị viện dự kiến sẽ thông qua vào tháng 12/2022 và bắt đầu thực thi từng bước từ năm 2023.
Chính sách này áp dụng cho những hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sử dụng nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính lớn trong quy trình sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu những hàng hóa thuộc danh mục của CBAM sẽ phải gánh chịu thêm một khoản tiền chi trả cho lượng khí nhà kính vượt quá mức cho phép. Chính sách CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 05 mặt hàng gồm: Xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện. Trong tương lai, danh sách này sẽ được mở rộng đối với những hàng hóa khác phát thải nhiều CO2 trong quá trình sản xuất.
Mục tiêu của CBAM nhằm hướng tới việc giảm phát thải thực chất và toàn diện, ngăn chặn sự rò rỉ các-bon do các ngành công nghiệp của EU dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang các quốc gia có chính sách khí hậu thiếu chặt chẽ bên ngoài EU để tránh sự điều chỉnh của Hệ thống thương mại khí thải (EU ETS). Đồng thời, Nghị viện EU kỳ vọng CBAM sẽ tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa nội địa EU, vốn đang bị cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa tới từ Châu Á và Châu Mỹ. Trong tương lai, CBAM có thể sẽ được bổ sung như một phần không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc đa phương giữa EU và các đối tác.
Ngoài ra, chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon không chỉ có CBAM của EU, cụ thể Mỹ và Canada, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu và xây dựng một cơ chế với mục tiêu tương tự. Đặc biệt tại Mỹ, hiện có tới 05 dự thảo luật liên quan tới Chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đang được lưỡng viện xem xét thông qua. Nổi bật trong đó là dự thảo Đạo luật cạnh tranh trong sạch (Clean Competition Act). Đạo luật này đã được trình lên quốc hội Mỹ để xem xét hồi tháng 07/2022.
Về tổng quan đạo luật này có bản chất tương đồng với CBAM của EU. Vì vậy, nhìn về tương lai không xa, bên cạnh EU có CBAM, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Canada thậm chí là cả Trung Quốc sẽ sớm ban hành chính sách cơ chế điều chỉnh cacbon xuyên biên giới. Có thấy rõ xu hướng tất yếu đó là CBAM hay những chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của các quốc gia khác sẽ có tác động nhất định tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
![]() |
Tác động của chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon tới Việt Nam
Nhìn từ phía Việt Nam, do những bất ổn địa chính trị trên thế giới và chính sách Zero Covid của Trung Quốc đang khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn và thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này giúp cho Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu cho EU, Mỹ, Nhật…. Tuy nhiên, những chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon sẽ là thách thức lớn mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải vượt qua để tiếp tục giữ vững và nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 do Bộ Công thương công bố, có thể thấy không chỉ kim ngạch xuất khẩu xi măng, sắt thép, phân bón đi Châu Âu sẽ chịu sự tác động trực tiếp của CBAM. Những ngành hàng chủ lực xuất khẩu khác như dệt may, da dày, linh kiện và thiết bị điện tử, máy móc cũng đang đứng trước thách thức to lớn nếu EU bổ sung thêm những hàng hóa này vào danh mục của CBAM trong tương lai gần.
Còn với Đạo luật cạnh tranh trong sạch (Clean Competition Act), Mỹ không chỉ áp cơ chế các-bon xuyên biên giới với các hàng hóa cụ thể trong danh sách như EU. Họ có cách tiếp cận rộng hơn khi sẽ áp thuế các-bon xuyên biên giới cho tất cả hàng hóa nhập khẩu dựa trên lượng phát thải thực tế. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cần sớm nhận ra những thách thức họ phải đối mặt khi CBAM hoặc các chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon khác được thực thi.
Thứ nhất, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Khi hàng hóa bị áp thuế các-bon xuyên biên giới hoặc buộc phải mua chứng chỉ các-bon xuyên biên giới. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí của mặt hàng đó sẽ tăng lên. Lúc này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với hàng hóa do doanh nghiệp nội địa sản xuất, vốn chí phí không bị tăng lên vì đã có sẵn dây chuyền sản xuất phát thải thấp theo tiêu chuẩn.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị hạn chế khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu. Khi CBAM được EU thực thi, doanh nghiệp nhập khẩu EU sẽ có xu hướng quay về tìm kiếm các nguồn hàng trong nội khối hoặc tìm tới các quốc gia được hưởng quyền miễn trừ vì đã áp dụng cơ chế giá các-bon tương đồng với EU.
![]() |
Thứ ba, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phát sinh thêm những công việc và thủ tục hành chính. Khi thực thi chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon, các quốc gia sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện thêm các bước kê khai và báo cáo định kỳ về lượng phát thải của hàng hóa đó để làm dữ liệu cho việc thu thuế các-bon hoặc mua chứng chỉ phát thải. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải triển khai hệ thống đo lượng, kiểm kê và báo cáo dữ liệu phát thải. Trong tương lai, dữ liệu về lượng phát thải là một trong những điều kiện tiên quyết cần phải có của mỗi chuyến hàng xuất khẩu.
Những tác động trên đều ảnh hưởng trực tiếp và bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành bị áp chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa - SMEs) cũng sẽ phải gánh chịu những tác động không nhỏ. Bởi lẽ các doanh nghiệp lớn thường có lợi thế hơn trong việc đàm phán thương mại sẽ chuyển gánh nặng chi phí sang cho SMEs.
Nhìn rộng ra về các tác động tới yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, trong bối cảnh xuất khẩu đang là cứu cánh và trở thành trụ đỡ đem về ngoại tệ cho Chính phủ, giúp giảm áp lực về tỷ giá và ổn định chính sách tiền tệ. Chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của các thị trường xuất khẩu có thể tác động xấu tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ thu được ít ngoại tệ hơn, dẫn tới tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại theo hướng xuất siêu. Hệ quả là Việt Nam có thể thiếu hụt dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Một số khuyến nghị giải pháp
Một số giải pháp trước mắt để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chuẩn bị và thích ứng với chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đó là:
Thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và doanh nghiệp của Việt Nam nói chung cần sớm chuyển đổi phương thức, dây chuyền sản xuất kinh doanh theo hướng ít phát thải. Đây là cách làm có thể tốn kém chi phí ban đầu lớn, tuy nhiên khoản đầu tư này sẽ là chìa khóa mở ra các cơ hội to lớn hơn cho những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Thứ hai, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn quy định trong thời gian tới các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn sẽ phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính định kỳ. Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ quy định tại Nghị định 06/NĐ-CP, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư hệ thống kiểm kê, đo đạc và báo cáo phát thải khí nhà kính để làm căn cứ cho những chuyến hàng xuất khẩu tới các thị trường có chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon.
Thứ ba, để chủ động và kịp thời thích ứng, các chủ doanh nghiệp cũng cần sớm triển khai việc tăng cường năng lực cho cán bộ, công nhân viên về các chính sách giảm phát thải và phương pháp tham gia thị trường các-bon, mua bán tín chỉ phát thải. Tương tự như việc mua bán nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất, trong tương lai không xa, việc tham gia mua bán, trao đổi tín chỉ phát thải sẽ trở nên quan trọng trong dòng chảy thương mại hàng hóa.
Thời gian tới, trong khi chờ Nghị viện Châu Âu và các quốc gia khác chính thức thông qua nội dung chi tiết của chính sách Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon, Chính phủ và các bên liên quan tại Việt Nam cần sớm nhận diện những tác động trong tương lai mà chính sách này mang lại. Đặc biệt, những doanh nghiệp xuất khẩu cần sớm nghiên cứu và triển khai những giải pháp thích ứng linh hoạt, qua đó có thể biến thách thức thành cơ hội để tiếp tục tăng trưởng lớn mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu.