Tại Hội nghị “Bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản” do Tổng cục Thủy sản tổ chức, Tổng cục Thủy sản cho biết, ĐBSCL có khoảng 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận mã số. Đến nay 8 tỉnh có nuôi tôm nước lợ mới cấp được 1.790 cơ sở (đạt khoảng 0,4%). Trong đó, nhiều nhất là Sóc Trăng đã cấp cho 1.502/39.990 cơ sở (đạt gần 3,8%) tiếp đến Kiên Giang 210 cơ sở; Bến Tre 42 cơ sở; Tiền Giang 16 cơ sở; Cà Mau 12 cơ sở; Bạc Liêu 7 cơ sở; Trà Vinh 1 cơ sở; Long An chưa cấp được cơ sở nào.
Như tại tỉnh Sóc Trăng mới cấp cho 1.502 cơ sở với tổng cộng 7.047 ao nuôi, diện tích 1.773ha. Trong đó, có 16 doanh nghiệp với khoảng 500 ha, còn lại 1.509 hộ nuôi nhỏ lẻ với 1.273 ha. Tính ra một hộ nuôi không đến 1 ha. Còn diện tích thả giống nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng đến ngày 15/9/2020 là 46.374 ha, như vậy diện tích cần được cấp mã số còn lại 44.601 ha, hầu hết của hộ dân nhỏ lẻ.
Tỷ lệ cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ quá thấp |
Còn tỉnh Long An, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đến nay là 4.599 ha, chưa cấp được mã số cho cơ sở nào. Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cho biết lý do: “UBND tỉnh đã ban hành và công bố thủ tục hành chính “Cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng, bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”, tuy nhiên người dân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng chưa thực hiện đăng ký nên chưa thực hiện được”.
Ngoài 2 tỉnh điển hình trên, ĐBSCL còn 6 tỉnh khác có nuôi tôm nước lợ đều đạt tỷ lệ cấp mã số cơ sở nuôi rất thấp. Tính theo diện tích từ trên xuống, tỉnh Cà Mau nuôi khoảng 284.670 ha, lớn nhất nước ta, mới cấp mã số cho 12/160.082 cơ sở, đạt 0,007% yêu cầu. Tỉnh Bạc Liêu nuôi hơn 130.000 ha, mới cấp mã số cho 7/120.000 cơ sở, đạt 0,005% yêu cầu. Tỉnh Kiên Giang nuôi 129.364 ha, mới cấp mã số cho 210/80.000 cơ sở, đạt 0,2%.
Tỉnh Bến Tre nuôi 33.662 ha, mới cấp mã số cho 42/36.000 cơ sở, đạt 0,12% yêu cầu. Tỉnh Trà Vinh nuôi 30.650 ha, mới cấp mã số cho 1/45.000 cơ sở, đạt 0,002% yêu cầu. Tỉnh Tiền Giang nuôi 4.385 ha, mới cấp mã số cho 16/3.653 cơ sở, đạt 0,4% yêu cầu.
Dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Luật Thủy sản đã quy định nên đại diện các địa phương tham dự hội nghị cũng bày tỏ sẽ nỗ lực thực hiện việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ. Nhất là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản nuôi của các thị trường EU, Trung Quốc, Mỹ,.v.v., ngày càng rõ ràng, dứt khoát và việc cấp mã số cơ sở nuôi là điều kiện bắt buộc nếu thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu.
Tổng cục Thủy sản nêu trọng tâm các tháng cuối năm 2020 nêu với những nội dung cụ thể: Với các địa phương “triển khai nghiêm việc thực hiện đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) đối tượng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đặc biệt cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản và các vướng mắc liên quan”.