Hành trình đưa cây đàn hương về với Tây Nguyên Điện Biên: Lấy ý kiến đầu tư dự án trồng cây Mắc ca xen Đàn hương và dược liệu |
Cây đàn hương được ví như "vàng xanh" vì có nhiều giá trị sử dụng. |
Nông dân giỏi bén duyên với đàn hương
Là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, từng được tặng rất nhiều bằng khen, ông Trần Nên ở thôn 7 (Hòa Lễ - Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) đã tìm tòi và là một trong những người đầu tiên đưa cây đàn hương về trồng tại địa phương.
Ông Nên cho biết, từ năm 2019, qua tìm hiểu trên sách báo và các trang mạng xã hội, biết được cây đàn hương là một loại giống nhập ngoại, thích hợp trồng được trên đất phẳng có độ dốc nhẹ, đất có lõi đá, sỏi… mùa khô chỉ cần có lượng nước vừa đủ. Cây đàn hương có ưu thế tận dụng được tất cả các bộ phận của cây từ: lõi gỗ, rễ cây, lá cây, hạt và rác gỗ nên mang lại giá trị kinh tế khá cao. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định mua cây giống về trồng thử nghiệm.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để tránh mua phải giống không đảm bảo chất lượng, ông đã trực tiếp đến Công ty cổ phần Đàn hương Tây nguyên, có trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột để mua giống. Sau khi ký kết hợp đồng với Công ty, ông đã mua 600 cây giống với giá 85.000 đồng/cây (giá cây giống thời điểm năm 2019).
Vườn đàn hương 18 tháng của gia đình ông Trần Nên đã cho thu hoạch lá để sản xuất trà thảo dược. |
Cây Đàn hương thường được trồng xen với loại cây ăn trái khác, song mùa thu hoạch cây ăn trái dễ làm ảnh hưởng đến sự phát triển cây Đàn hương, nên ông đã quyết định trồng xen với cây dó trầm trên diện tích 6.000 m2, trong quá trình trồng và chăm sóc ông tuân thủ đầy đủ quy trình hướng dẫn, bón phân hữu cơ theo chu kỳ tuổi của cây đàn hương lúc 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng… Ông còn tiến hành loại bỏ những lá cành cây bị nhiễm bệnh tránh lây lan cho những cây khác. Nhờ đó, sau 18 tháng, cây đàn hương của gia đình ông phát triển xanh, tốt và ra hoa kết hạt, sớm hơn những vùng khác.
Cuối năm 2021, gia đình ông bắt đầu thu hoạch lá vụ đầu tiên. Là người ham tìm tòi, học hỏi, ông Nên đã tìm hiểu công dụng của lá Đàn hương nếu được phối hợp với Hoa Tam Thất sẽ có công dụng bảo vệ gan, giảm nguy cơ về tim mạch cho người bệnh tiểu đường và cao huyết áp...
Từ đó, ông tìm mua dược liệu Hoa Tam Thất ở Lạng Sơn, với giá 1 triệu đồng/ kg để phối hợp sao chế ra loại Trà Thảo dược Đàn hương Tam Thất, mang thương hiệu Ánh Nên. Sau khi thử nghiệm thành công ông đã xin cơ quan chức năng cho phép sản xuất, do số lượng chưa nhiều và chế biến thủ công nên vụ thu hoạch đầu tiên gia đình ông sản xuất được 500 hộp, với giá bán 65.000 đồng/hộp, loại 100 mg; so với những loại cây trồng khác thì đây là một loại cây cho thu nhập rất cao, số trà làm ra đến đâu đều được nhiều tổ chức, cá nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đặt hàng mua làm quà biếu, tặng cho người thân.
Mỗi cây đàn hương cho thu nhập hàng chục triệu đồng
Theo ính toán của ông Nên, mỗi chu kỳ thu lá Đàn hương là 6 tháng. Hiện với diện tích đàn hương của gia đình ông vẫn chưa đủ nguyên liệu để sản xuất trà thảo dược. Do vậy để có nguồn nguyên liệu sản xuất Trà Thảo dược Đàn Hương, Tam Thất, ông phải thu mua thêm với giá 35.000 đồng/kg lá tươi.
Ông Nên cho biết thêm: Ngoài việc thu hoạch lá theo chu kỳ thì sau 10 năm khai thác, Lõi cây đàn hương sẽ được thu mua với giá 3 triệu đồng/kg; trung bình một cây đàn hương sẽ cho thu nhập hàng chục triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác, cây đàn hương đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, mở hướng làm giàu cho người dân vùng Tây Nguyên.
Sản phẩm trà thảo dược của gia đình ông Trần Nên được sản xuất từ là đàn hương kết hợp cây thảo dược khác. |
Được biết, sau khi Bộ Nông nghiệp &PTNT đồng ý cho trồng khảo nghiệm cây giống Đàn hương có xuất xứ Karnataka Ấn Độ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và Buôn Đôn (Đăk Lăk), qua gần ba năm phát triển sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ cho thấy loài cây quý này có sức sống bền bỉ, thân thiện với môi trường. Cây đàn hương được mệnh danh là cây “vàng xanh” hay cây “triệu đô” vì tính hiệu quả kinh tế của nó và lợi ích từ việc phát triển rừng phân tán.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng cây đàn hương. Những mô hình hiệu quả như của gia đình ông Trần Nên cũng được nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh tham quan, học tập để đầu tư phát triển trên diện tích đất sản xuất của gia đình.
Tuy nhiên, để tránh tính trạng mở rộng diện tích đàn hương một cách ồ ạt, tự phát, các chuyên gia cũng khuyến cáo: Đàn hương là loại cây lâm nghiệp, có tác dụng bảo vệ môi trường và có giá trị dược liệu là chính. Do đó, muốn phát triển cây đàn hương, bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ về loại cây trồng này, nên trồng thử nghiệm xen canh với số lượng ít trên vườn rẫy của gia đình, không nên trồng ồ ạt, làm ảnh hưởng đến cây trồng khác.
Nếu liên kết với doanh nghiệp để trồng thì phải thông qua chính quyền địa phương để ký cam kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp trồng ồ ạt như cây sa chi, chanh dây… trước đây. Về giống cây đàn hương, hiện do một số cá nhân, đơn vị tự ươm và nhập từ nơi khác về để bán, Nhà nước chưa kiểm soát được. Trong khi đó, giống đảm bảo là giống phải qua khảo nghiệm và được Nhà nước quản lý.
Đàn hương xứng danh cây ‘vàng xanh’ của núi rừng
Đàn hương có nhiều giá trị sử dụng. Lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp, sản xuất các mỹ phẩm cao cấp, dưỡng da tự nhiên. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm, chăm sóc da, làm đẹp. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu…
Cây đàn hương giống. |
Đàn hương là cây gỗ dễ trồng, ít phải chăm sóc. Sau 8 - 10 năm, cây sẽ cho khai thác, mật độ trồng 1.000 - 1.500 cây/ha, thu được lõi 30 kg/cây; hiện nay có giá bán khá cao, tùy thời điểm. Nhưng từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.
Trên thị trường Ấn Độ hiện nay, 1 kg lõi gỗ đàn hương có giá 350 USD, về đến Việt Nam nó có giá 450 USD, sang tới thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Arab giá khoảng 600 USD. Trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, giá mỗi ký cành đàn hương tại thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 3 triệu đồng, rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500 USD/kg.
Cây đàn hương với những giá trị đặc biệt nếu trồng thành công sẽ đem lại lợi ích kép cho người nông dân. Cây vừa đảm bảo độ che phủ rừng, có thể tạo nguồn thu sau hai năm trồng, sau 10 năm đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Cây đàn hương có giá trị dược liệu sử dụng làm trà, làm hương thơm... nên nhu cầu thị trường rất cao./.