Vườn dừa sáp 1,5 ha của gia đình ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh). Ảnh: TTXVN |
Nâng cấp chuỗi giá trị dừa
Để nâng cao giá trị từ cây dừa, tránh tình trạng “mất giá, lợi nhuận thấp”, từ 5 năm qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án “Nâng cấp chuỗi giá trị dừa”. Ông Trần Văn Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần, cho biết thực hiện nâng cao chuỗi giá trị dừa, nông dân tại địa phương đã chuyển sang trồng dừa hữu cơ, được cấp chứng nhận GlobalGAP.
“Thay vì tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang các quốc gia lân cận và Trung Quốc, hiện nay doanh nghiệp đã thu mua trái dừa để xuất khẩu sang châu Âu. Năm 2023, trong khi dừa thông thường chỉ bán được với giá 5.000-6.000 đồng/trái, thì dừa có chứng nhận GlobalGAP được doanh nghiệp thu mua với giá 7.500-8.000 đồng/trái”, ông Quân cho biết.
Là một nông dân ở xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, ông Nguyễn Văn Hưng là người đã có hơn một năm kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi kỹ thuật canh tác mới. Theo ông Hưng, khi nền đất được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh, không bón phân hóa học, 0,8ha dừa của gia đình cho trái ít hơn, nhưng trái to đều và đẹp. Canh tác hữu cơ giúp giảm khoảng 55% chi phí do hạn chế không sử dụng phân bón hóa học, nhờ đó lợi nhuận đạt cao hơn.
Cùng với dừa hữu cơ, cây dừa sáp đặc sản của tỉnh Trà Vinh cũng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu cho Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân, huyện Cầu Kè. Đây là hợp tác xã đầu tiên chuyên trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.
Đặc biệt, trái dừa sáp hiện được Công ty TNHH Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) chế biến 9 dòng sản phẩm, gồm: kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, bánh dinh dưỡng dừa sáp, sữa chua uống dừa sáp và trái dừa sáp hút chân không... Ngoài ra, Công ty còn sở hữu nhiều công thức chế biến món ăn, thức uống từ dừa sáp.
Trong số các sản phẩm từ dừa sáp có 8 sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đạt thứ hạng 4 và 5 năm sao cấp quốc gia đã được bán rộng rãi ra thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, toàn huyện hiện có hơn 45.000 cây dừa sáp, với diện tích hơn 1.000 ha; trong số này, có trên 37.000 cây đang cho trái. Trong chương trình kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, huyện có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản; trong đó, có cây dừa sáp được trồng theo phương thức sản phẩm nông nghiệp sạch để nâng cao giá trị kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập bền vững.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến
Đóng gói kẹo dừa sáp tại Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè. Ảnh: TTXVN |
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám độc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, năm 2023, nông dân trong tỉnh đã trồng mới hơn 1.020 ha vườn dừa, nâng tổng diện tích vườn dừa của tỉnh lên hơn 27.350 ha; trong đó diện tích dừa cho trái khoảng hơn 20.500 ha, với sản lượng trên 399.000 tấn/năm. Diện tích vườn dừa được trồng ở tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; trong đó, các huyện Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè, Trà Cú là những địa phương có diện tích cây dừa lớn nhất tỉnh.
Việc phát triển diện tích vườn dừa được ngành nông nghiệp Trà Vinh hỗ trợ khuyến khích nông dân thực hiện phương thức canh tác cây dừa tiên tiến đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các tiêu chuẩn châu Âu - UE, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Thụy Điển - KRAV, GlobalGAP...để thuận lợi liên kết cùng doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa, đạt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong năm 2022 - 2023, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến với nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre tham gia liên kết đầu tư mở rộng diện tích và chế biến dừa hữu cơ đã được tỉnh qui hoạch. Các doanh nghiệp được mời gọi đầu tư chuyên về chế biến ngành dừa và đã có đầu tư bước đầu phát triển diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 5.100 ha dừa hữu cơ được các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Thuận Phong đã ký kết cùng nông dân xây dựng phát triển gần 2.000 ha dừa hữu cơ tại các vùng qui hoạch ở huyện Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành. Diện tích trồng dừa hữu cơ, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật cho sản phẩm dừa trái đạt chứng nhận GlobalGAP và các tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia…
Theo ông Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần, huyện có tổng diện tích vườn dừa gần 5.800ha, được ngành nông nghiệp tỉnh vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật trồng dừa theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng trái dừa nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến sản phẩm phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Đến nay diện tích dừa hữu cơ của huyện có khoảng 1.700ha. Hầu hết dừa trái (dừa khô) hữu cơ được Hợp tác xã Tân Thành tại xã Tân Hòa trong huyện thu mua cao hơn dừa trồng bình thường từ 3 -5% theo giá thị trường tại thời điểm thu mua.
Cùng với dừa hữu cơ, cây dừa sáp đặc sản của tỉnh Trà Vinh cũng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu cho Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân, huyện Cầu Kè. Đây là Hợp tác xã đầu tiên chuyên trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.
Trái dừa sáp hiện được Công ty trách nhiệm hữu hạn Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) chế biến 9 dòng sản phẩm, gồm: kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, bánh dinh dưỡng dừa sáp, sữa chua uống dừa sáp và trái dừa sáp hút chân không với 40 sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn sở hữu nhiều công thức chế biến món ăn, thức uống từ dừa sáp. Trong số các sản phẩm từ dừa sáp có 8 sản phẩm OCOP đạt thứ hạng 4 và 5 năm sao cấp quốc gia đã được bán rộng rãi ra thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.