![]() |
Công thức tính được đăng trên website của USTR. |
Thuế đối ứng là gì?
Thuế đối ứng là một loại thuế được áp dụng để đáp trả hoặc cân bằng lại tác động của một loại thuế, trợ cấp hoặc chính sách thương mại không công bằng từ một quốc gia khác. Loại thuế này thường được áp dụng trong thương mại quốc tế để bảo vệ lợi ích kinh tế, duy trì sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thuế đối ứng có thể được hiểu là một biện pháp phòng vệ thương mại do chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Biện pháp này nhằm điều chỉnh cán cân thương mại, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước và duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Công thức tính dựa trên nhiều yếu tố
Rạng sáng 3/4 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó mức thuế áp dụng với từng nền kinh tế khác nhau.
Theo bảng biểu thuế được ông Trump công bố với báo giới tại Nhà Trắng, mức thuế đối ứng Mỹ sẽ áp đối với đa số các nước phần lớn chỉ bằng một nửa so với mức thuế mà các nước áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, theo tính toán của bộ phận cố vấn của ông Trump.
Đơn cử, Mỹ dự kiến áp thuế lần lượt 34%, 20% và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, EU và Việt Nam, bằng xấp xỉ 1/2 mức thuế mà các nền kinh tế đó áp đối với hàng hóa từ Mỹ.
Mức thuế 46% mà chính quyền Trump dự kiến đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được cho là cao hơn dự đoán của nhiều người. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: chính quyền Trump dựa vào công thức hay cơ sở nào để áp mức thuế quan đó?
Vài giờ sau thông báo của Tổng thống Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng, website của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đăng tải công thức tính. Mô hình của họ dựa trên nhiều yếu tố, từ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, mức độ biến động về nhu cầu, biến động giá, đến các yếu tố khác khiến hàng hóa Mỹ bất lợi ở nước ngoài, như quy định về chính sách, môi trường, sự khác biệt về thuế tiêu thụ và cả hoạt động thao túng tiền tệ. Số liệu về nhập khẩu và xuất khẩu lấy từ Cục thống kê Mỹ năm 2024.
Trong đó, x là kim ngạch xuất khẩu; m là kim ngạch nhập khẩu; ε là mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi; φ là mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu.
![]() |
Chính quyền Trump sẽ áp thuế đối ứng cao đối với một số nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ 9/4. |
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng việc mất cân đối thương mại đã làm chuyển hướng nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ, khiến hơn 90.000 nhà máy Mỹ bị đóng cửa kể từ năm 1997. Số việc làm ngành sản xuất cũng giảm hơn 6,6 triệu việc. Vì thế, mục tiêu của công thức trên là đưa thâm hụt thương mại về 0.
Theo Tờ thông tin được Nhà Trắng công bố hôm 2/4 (giờ Washington D.C.) cho biết “Tổng thống Donald J. Trump công bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia để tăng cường lợi thế cạnh tranh, bảo vệ chủ quyền và tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia Mỹ”.
Đáng chú ý, theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Trump dùng Đạo luật IEEPA 1977, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia, loại bỏ cơ chế đa phương, hành động đơn phương quyết liệt.
Theo Tờ thông tin, chiểu theo Đạo luật này, chính quyền Trump sẽ áp thuế 10% lên tất cả các quốc gia từ ngày 5/4 và thuế đối ứng cao hơn đối với một số nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ 9/4.
Nhà Trắng cũng lưu ý, các mức thuế quan này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách đối xử không “có đi có lại” cơ bản đã được đáp ứng, giải quyết hoặc giảm thiểu.
Tổng thống Trump cũng sẽ tăng thuế nếu các đối tác thương mại trả đũa hoặc giảm thuế nếu họ có những động thái đáng kể để khắc phục các thỏa thuận thương mại không đối ứng và phù hợp với các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Liên quan đến rào cản thương mại, Tờ thông tin đề cập đến một số rào cản thuế quan và phi thuế quan “không công bằng” mà một số nước áp dụng đối với hàng hóa của Mỹ.
Theo đó, Mỹ áp dụng thuế quan tối huệ quốc (MFN) ở mức thấp (3,3%) trong khi một số đối tác như Brazil, Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Việt Nam áp thuế này cao hơn.
Nhà Trắng cũng cho rằng, rào cản phi thuế quan (nhằm hạn chế xuất nhập khẩu và bảo vệ các ngành công nghiệp quốc nội) khiến các nhà sản xuất Mỹ không được tiếp cận đối ứng nhiều thị trường, như Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản…, khiến xuất khẩu Mỹ sang các thị trường đó giảm đáng kể và gây hại đến ngành công nghiệp Mỹ.
Tờ thông tin cũng đề cập đến rào cản có tính tiền tệ và phi tiền tệ mà các chính phủ khác sử dụng để điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu.