Về vị trí địa lý, vùng biển và ven biển Tiền Giang gồm 2 huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, với diện tích tự nhiên khoảng 490 km2. Quan điểm chung của tỉnh là tiếp tục khẳng định vùng biển và ven biển là một địa bàn chiến lược, có tiềm năng kinh tế to lớn.
Gần đây, thực hiện chiến lược kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng, đồng thời phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh ngành nghề truyền thống, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khuyến khích ngư dân chuyển hướng sang đầu tư nâng cấp, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng vươn ra khơi xa khai thác hải sản và chống việc khai thác cạn kiệt nguồn lợi.
Đội tàu của tỉnh hiện chủ yếu khai thác khơi xa, thu hút 10.324 lao động với nghề lưới kéo, lưới rê, vây kết hợp ánh sáng… Ngoài ra, có 276 tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển và khoảng 300 tàu hoạt động các nghề khai thác khác.
Huyện Gò Công Đông nằm ven biển Gò Công có nghề biển truyền thống từ lâu đời, phát triển mạnh với tổng cộng 930 phương tiện trong đó 2/3 phương tiện có công suất lớn, đánh bắt khơi xa. Qua hoạt động, các ngư phủ Tiền Giang góp phần vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương vừa tạo nguồn thủy sản dồi dào cung ứng thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Đánh bắt xa bờ tại Tiền Giang
Theo thống kê của địa phương, đa số đội tàu đánh bắt hải sản Tiền Giang sản xuất theo nhóm hoặc tổ, đội như: Nhóm nghề lưới kéo, lưới vây kết hợp ánh sáng, nghề lưới rê… đồng thời còn có sự liên kết với các tàu hậu cần đánh bắt thủy sản để cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua, vận chuyển thủy sản.
Từ đó, giảm chi phí các chuyến biển và tăng thời gian bám biển, chất lượng sản phẩm được đảm bảo khi đưa ra thị trường cũng như kịp thời tương trợ nhau khi có sự cố hoặc thiên tai, tai nạn trong quá trình hành nghề trên biển khơi. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 43 Tổ hợp tác thu hút 392 tàu và 3.543 thuyền viên, một Hợp tác xã khai thác với 7 tàu và 68 thuyền viên, 3 nghiệp đoàn khai thác hải sản với 98 tàu và 745 thuyền viên.
Tỉnh cũng triển khai nhanh và kịp thời những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư đóng mới. Ngoài ra nâng cấp tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ và thiết vị hiện đại phục vụ nghề cá, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới giúp tăng sản lượng đánh bắt qua từng chuyến biển…
Theo đó, Tiền Giang đã xây dựng và đưa vào hoạt động hai cảng cá nằm trong hệ thống các cảng cá quốc gia, đó là cảng cá Vàm Láng tại huyện ven biển Gò Công Đông và cảng cá Mỹ Tho thuộc thành phố Mỹ Tho. Cùng đó, đầu tư xây dựng hai khu tránh trú bão cho tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản trên biển tại Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) và thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).
Khai thác hải sản là lợi thế lớn của Tiền Giang
Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trên lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế biển vào đời sống. Cụ thể như mô hình ứng dụng máy dò ngang Sonar trên tàu khai thác xa bờ giúp ngư dân đo độ sâu ngư trường đồng thời chủ động dò tìm đàn cá xung quanh tàu trong bán kính 400 m. Nhờ công nghệ này, sản lượng đánh bắt tăng hơn 50% so với khi chưa sử dụng máy dò ngang, hiệu quả tăng cao vừa tiết kiệm chi phí nhờ không phải tốn nhiều công sức di chuyển dò tìm đàn cá như trước.
Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cũng xây dựng mô hình chuyển đổi từ sợi cước đơn của lưới cá đỏ sang dạng sử dụng nhiều sợi cước đơn tết lại (sợi cước xù) của lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp. Đây là loại lưới có độ nhạy cao, giúp tăng sản lượng đánh bắt lên gấp 3 – 4 lần so với trước. Mỗi chuyến biến kéo dài từ hai tháng rưỡi đến ba tháng, mội tàu thu lợi nhuận từ 400 - 600 triệu đồng. Nhờ vậy, làng nghề khai thác lưới cá đỏ ở Gò Công Đông không chỉ tránh được nguy cơ mai một mà còn phát triển theo hướng bền vững, ngư dân phấn khởi.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về các chính sách phát triển thủy sản, thời gian qua, Tiền Giang đã có nhiều giải pháp quan trọng và cụ thể nhằm hỗ trợ ngư dân khôi phục, phát huy nghề truyền thống để làm giàu. Đáng kể là tỉnh đã triển khai dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp cảng cá Vàm Láng tại thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) có tổng vốn đầu tư trên 157 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng hỗ trợ trong khuôn khổ Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Năm 2020, dự án đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo hậu cần vững chắc cũng như chủ động trong phòng chống thiên tai, bão tố cho đội tàu đánh bắt hải sản trong ngoài tỉnh, ngư dân rất phấn khởi.
Hà Linh