Thương mại điện tử xuyên biên giới |
Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. TMĐT xuyên biên giới rất phổ biến ở châu Âu. Gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua kênh TMĐT tăng vọt trên thế giới và EU cũng không ngoại lệ.
Người dân EU không chỉ mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trong nước mà còn mua hàng từ nước thành viên EU khác cũng như từ các quốc gia ngoài lãnh thổ EU. Người tiêu dùng đánh giá cao các ưu điểm của TMĐT như: sự tiện lợi khi có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi, tiếp cận với nhiều loại sản phẩm hơn, so sánh giá cả và chia sẻ ý kiến của họ về hàng hóa với những người tiêu dùng khác và đặc biệt là kênh mua sắm hiệu quả trong điều kiện hạn chế bởi dịch bệnh.
Thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – EU đang có nhiều cơ hội phát triển
Thích ứng với xu hướng chung của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, TMĐT tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước phát triển tích cực và trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm. Trong khi thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày một thịnh hành và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.
Vừa qua, trong khuôn khổ triển khai Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác Hiệp định EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM), sàn TMĐT doanh nghiệp Việt Nam – EU (VEFTA) đã được chính thức ra mắt đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và EU.
Khi hoàn thiện, sàn TMĐT này có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh, thành phố, các ngành hàng, từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, hiện nay các giao dịch TMĐT của Việt Nam sang EU còn đang sơ khởi. Nhưng tin mừng là gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công ban đầu khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới của mình tại EU. Vừa qua 3 tấn vải thiều đầu tiên đã được nhập khẩu sang Đức qua sàn thương mại điện tử Voso.
Tiềm năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – EU (ảnh minh họa) |
Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để từng bước phát triển ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. EU đã thành lập Hệ thống IOSS (Import One-Stop Shop - tạm dịch là thủ tục nhập khẩu một cửa) để thông quan hàng hóa với những giao dịch thương mại điện tử có giá trị từ 150 EUR trở xuống.
Để bán hàng trực tuyến vào EU, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU và chỉ định một đối tác tại nước EU đó để làm các thủ tục khai báo và nộp thuế theo quy định. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên. Nếu nhà cung ứng thương mại điện tử không có trụ sở tại một nước EU thì cần phải chỉ định một đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế GTGT.
Kinh tế EU hồi phục, thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU
Trong quý II/2021, kinh tế Liên minh châu Âu (EU) hồi phục rõ nét trong bối cảnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cũng như việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine đã đem lại những hiệu quả tích cực, khiến hàng loạt quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch và niềm tin của người tiêu dùng đã có sự cải thiện mạnh mẽ.
Theo Eurostat, GDP của toàn khối EU trong quý II/2021 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với quý trước. Trong đó, kinh tế khu vực Eurozone đạt mức tăng tương ứng 13,7% và 2% - vượt xa mức dự báo tăng 1,5% được đưa ra trước đó. Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Kinh tế thế giới được đưa ra trong tháng 7/2021, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone trong năm 2021 lên 4,6%, cao hơn so với mức dự báo đạt 4,4% trong báo cáo tháng 4/2021.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU được thúc đẩy |
Xu hướng hồi phục tích cực của kinh tế EU trong thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 14,02 tỷ USD, tăng 2,8% so với quý I/2021, đưa tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU quý II/2021 đạt 9,76 tỷ USD, tăng 1,2% so với quý I/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 9,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Với sự tăng tốc của xuất khẩu, trong 6 tháng qua, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường EU 11,1 tỷ USD, tăng 18% so với mức xuất siêu của 6 tháng đầu năm 2020.
Trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam kể từ đầu tháng 7/2021 sẽ khiến tiến độ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.
Về phía thị trường EU, mặc dù đã đạt được một số tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung kinh tế EU vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần phải tập trung ứng phó, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nguy cơ tăng cao trở lại.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại EU mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng đột biến và sức ép lên lạm phát. Ngoài ra, chi phí vận tải tăng lên những mức cao kỷ lục cũng gây khó khăn đến hoạt động thương mại của các doanh nghiệp.
Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU từ nay đến cuối năm 2021 nhiều khả năng tiếp tục phục hồi, nhưng mức độ phục hồi vẫn khó dự đoán trước những diễn biến khó lường của của đại dịch Covid-19.