Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2025 Sự bất ổn về thuế quan bao trùm thị trường cá rô phi, cá tra Xuất khẩu Việt Nam trước rủi ro từ thuế quan |
![]() |
Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có mức thặng dư thương mại với Mỹ lớn nhất trên thế giới. |
Thuế quan hiện là “từ khóa” nóng nhất
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp thuế (bổ sung) 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico (đang hoãn áp dụng một tháng) và 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã đáp trả thông qua siết xuất khẩu một số loại kim loại quan trọng và chính thức nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), thông tin thuế quan hiện là “từ khóa” nóng nhất trong thương mại quốc tế những ngày này. Gắn liền với đó là các dự báo về các nguy cơ, nhỏ thì là “căng thẳng”, lớn có thể là “thương chiến”, giữa các nước liên quan, và thậm chí là rủi ro với cả hệ thống thương mại toàn cầu.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, các lệnh áp thuế mới đây của ông Trump đã hoặc có thể dẫn tới những hành động trả đũa cũng bằng thuế quan từ các nước liên quan. Trung Quốc, như đã thấy, ngay lập tức tuyên bố tăng thuế thêm 10-15% lên một số loại khoáng sản, năng lượng, máy móc phương tiện của Mỹ từ ngày 10/2/2025 (chưa kể các biện pháp phi thuế khác như điều tra chống độc quyền Google, khởi kiện ra WTO...).
Canada trước khi Mỹ hoãn lệnh áp thuế cũng đã dự kiến trả đũa bằng mức thuế bổ sung 25% lên khoảng 155 tỉ đô hàng hóa Mỹ. Tình hình có thể sẽ phức tạp hơn nhiều lần nếu ông Trump thực hiện ý định hồi tranh cử, rằng có thể sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bất kể chúng từ quốc gia nào.
“Các cuộc chiến thuế quan này nếu thành hiện thực chắc chắn sẽ tạo ra những hệ quả nghiêm trọng. Bị tác động trước hết là giá cả của hàng hóa, sức cạnh tranh, nguồn đầu vào và lợi nhuận của doanh nghiệp, túi tiền và hành vi của người tiêu dùng ở các nước liên quan.
Liền sau đó là những ảnh hưởng sâu rộng tới dòng chảy thương mại thế giới khi hàng hóa bị chặn do thuế quan cao có thể sẽ đổ bộ vào các khu vực khác thay thế. Tiếp đến là dòng đầu tư vào các chuỗi sản xuất có thể giảm sút do những e ngại tình trạng bất ổn, hoặc bị chuyển dịch khỏi các khu vực liên quan. Và tất nhiên, sau rốt sẽ là những ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế nói chung trên toàn cầu”, Giám đốc VCCI nói.
"Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có mức thặng dư thương mại với Mỹ lớn nhất trên thế giới. Do đó, theo kịch bản lạc quan, trong tương lai gần, Việt Nam có lẽ chưa phải là đối tượng bị nhắm tới của các biện pháp không mong muốn ở thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, vẫn có một tỷ lệ nhất định xảy ra kịch bản kém lạc quan hơn, dù khả năng là thấp", TS. Nguyễn Thị Thu Trang phân tích.
Với ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, khi Mỹ đối đầu thương mại với một số quốc gia khác, chắc chắn sẽ có tác động đến quá trình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mỹ và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ này vẫn được duy trì tốt. Nếu chúng ta giữ quan hệ tốt với bạn trên tất cả các phương diện, thì vẫn duy trì được đà tăng trưởng tại thị trường Mỹ.
Chủ động kịch bản ứng phó
![]() |
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI). Ảnh MT |
TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, là một nền kinh tế có độ mở cao, với Mỹ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu và Trung Quốc là nguồn cung của 38% kim ngạch nhập khẩu, việc chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp mới đây là rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo Giám đốc VCCI, ở kịch bản nào đi nữa, trong quan hệ với Mỹ, chúng ta vẫn luôn cần có một chiến lược bài bản và tổng thể nhằm giải quyết mối quan ngại về thâm hụt thương mại của phía Mỹ. Chiến lược này có thể bao gồm các giải pháp đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu; tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là những sản phẩm Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu; đấu tranh quyết liệt chống gian lận thương mại, xuất xứ để không bị lợi dụng; và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và hợp tác với phía Mỹ để kịp thời nhận diện và phối hợp xử lý các vướng mắc, nếu có. Chúng ta cũng cần chuẩn bị phương án để phản ứng kịp thời, chủ động và linh hoạt trong quan hệ thương mại - đầu tư với Mỹ khi tình huống không mong muốn xảy ra.
Mặt khác, để tránh nguy cơ là bãi đáp cho dòng hàng hóa chuyển hướng hoặc dư thừa, duy trì cạnh tranh lành mạnh và công bằng ở thị trường nội địa, chúng ta cũng cần có chiến lược ứng phó thích hợp, tập trung vào các công cụ kiểm soát nhập khẩu để bảo đảm chỉ các hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, tuân thủ các yêu cầu về thuế, phí và các quy định liên quan mới có thể tiếp cận thị trường.
“Tất nhiên, trong “nguy” có “cơ”, ở các kịch bản chiến tranh thương mại không trực diện liên quan tới Việt Nam, doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ tận dụng những cơ hội (nếu có), ví dụ những khoảng trống thị trường mở ra bất chợt hoặc những nguồn cung đầu vào cho sản xuất có thể có giá hợp lý hơn trong một giai đoạn nào đó”. TS. Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đã chuẩn bị “tấm áo giáp” đối phó với chiến tranh thương mại.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để phát triển thị trường Halal (Hồi giáo), phối hợp với Bộ Công thương để tiếp tục triển khai xúc tiến tại hai thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, bên cạnh các thị trường quan trọng khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích, nếu chúng ta duy trì quan hệ tốt với các thị trường, đồng thời chuẩn bị vùng trồng, vùng nuôi một cách kỹ lưỡng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để có vùng nguyên liệu minh mạch, rõ ràng; trên cơ sở đó, khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến cũng được nâng cao, thì sẽ yên tâm về mặt chất lượng và yên tâm về việc củng cố, mở rộng các thị trường.
“Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng, càng ra biển lớn sẽ càng khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng phải nỗ lực để giữ vững thị trường trên cơ sở tổ chức sản xuất tốt theo hướng kinh tế xanh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp tin rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ sớm ứng phó được những thay đổi của thị trường Mỹ, Trung Quốc, hay bất cứ thị trường nào khác.
![]() |
![]() |
![]() |