![]() |
Xuất khẩu Việt Nam trước rủi ro từ thuế quan. |
Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ
Đầu tháng 2/2025, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico.
Sắc lệnh do ông Trump ký áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2 và 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, đang tạm dừng trong 30 ngày.
Ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/3/2025. Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, trong đó có Việt Nam, Canada, Brazil và Mexico - những nhà cung cấp thép hàng đầu cho thị trường Mỹ - sẽ là những nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi sắc lệnh này.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch thép Việt Nam vào nước này năm ngoái đạt 1,13 tỷ USD, đứng 8 về giá trị. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lại cao nhất trong các nhà cung cấp, hơn 140% so với 2023, theo tính toán của CNBC.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam bán 1,67 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 1,32 tỷ USD đến Mỹ, chiếm lần lượt 9,4% và 10,5% tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm qua.
"Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan do có thặng dư thương mại lớn với Mỹ", báo cáo của Ngân hàng HSBC nhận xét.
Năm qua, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu 112,5 tỷ USD và nhập 10,5 tỷ USD từ nước này, lần lượt tăng 16% và giảm gần 24% so với 2023.
Không chỉ tác động trực tiếp, thuế quan còn bất lợi cho sức mua, tỷ giá, cũng như triển vọng xuất khẩu nhiều mặt hàng, ngoài thép.
Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết quyết định áp thuế của ông Trump dự kiến ảnh hưởng đến giá cá ngừ đóng hộp tại Mỹ. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ có thể bị ảnh hưởng vì các nhà bán lẻ có thể phải tăng giá sản phẩm.
Trong đó, năm 2024, ngành cá ngừ Việt Nam cán đích ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Trong số các thị trường xuất khẩu cá ngừ, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm hơn 39% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Chính vì thế, các doanh nghiệp đang rất lo ngại về những chính sách thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Donal Trump có thể áp dụng với các quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam”, bà Hà cho hay.
Ngoài ra, hàng hóa lâu bền phổ biến là các đồ gia dụng lớn (tủ lạnh, điều hòa..), thiết bị điện tử (điện thoại, TV, máy ảnh), xe, đồ nội thất và máy móc công nghiệp. Đây đều là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, mang về hàng tỷ đến chục tỷ USD năm ngoái. Chẳng hạn, nội thất 9 tỷ USD, điện thoại (9,8 tỷ USD), máy móc-thiết bị-phụ tùng (22 tỷ USD).
Dệt may cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Năm ngoái, các doanh nghiệp ngành này bán 44 tỷ USD giá trị sản phẩm đi các nước, tăng trên 11% so với 2023. Mỹ là thị trường đứng đầu về kim ngạch, với hơn 16 tỷ USD.
Hành động mới để “Biến nguy thành cơ”
![]() |
Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng. Ảnh TTXVN |
Xuất khẩu là một trong 3 động lực truyền thống rất quan trọng của nền kinh tế nước ta. Để giữ vững thị trường xuất khẩu trước chính sách thuế của Mỹ và nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, đồng thời đạt mục tiêu tăng GDP từ 8 - 10% thì tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa phải đạt từ 12% trở lên.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu.
Thứ nhất, tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ những thị trường trọng điểm, chiến lược.
Thứ hai, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và cách thức tận dụng ưu đãi thuế quan, đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa.
Thứ ba, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu phản ứng chính sách kịp thời thông qua việc tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan Nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và với phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số.
Thứ năm, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ về xây dựng thương hiệu, marketing, kỹ năng xúc tiến thương mại quốc tế.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động là yếu tố tiên quyết để giúp các doanh nghiệp ứng phó, vượt qua thách thức.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình biến động trên thị trường, các yếu tố chính trị - xã hội tác động đến thị trường để có phản ứng phù hợp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có đầu tư bài bản, hướng tới mục tiêu lâu dài. Trong đó, đầu tư cho con người, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh là yếu tố then chốt.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ, đặc biệt là những thành tựu mới như trí tuệ nhân tạo, vào việc quản lý, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao đáng kể sức cạnh tranh, tạo nên khác biệt trên thị trường.
Trong khi đó, Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
![]() |
![]() |
![]() |