Trong những ngày đầu tháng 6, lịch "cắt điện luân phiên" là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhất là khi thời điểm này tại Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, có nhiều hôm nhiệt độ vượt ngưỡng 40 ℃.
Thời tiết nóng bức, cộng thêm việc bị cắt điện khiến cho các gia đình gặp bất tiện trong cuộc sống. Cái nóng có thể làm giảm sức đề kháng, gây chán ăn, tăng nguy cơ ốm sốt và đột quỵ.
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như vậy, việc bổ sung những thực phẩm giải nhiệt, dễ tiêu hóa vào khẩu phần ăn là vô cùng cần thiết.
Nước sấu đá
Cứ mỗi độ hè tới, món ăn từ sấu trở thành một phần ẩm thực dân dã của người Hà Nội. Trong đó, nước sấu đá từng gắn bó với ký ức tuổi học trò nhiều người. Một ly nước sấu đá mát lạnh với vị chua ngọt dịu thơm, quả sấu giòn róc hạt, thoảng chút the cay từng gừng nhanh chóng xua tan nhưng mệt mỏi trong thời tiết oi bức.
Nước chanh
Nước chanh được mệnh danh là "loại nước kinh điển" trong mùa hè, bởi nó không chỉ giúp bạn hạ nhiệt mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Hơn nữa, nước chanh còn hỗ trợ tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cường giảm cân. Bạn cũng có thể nghiền nát một số lá bạc hà và thêm vào nước chanh để thức uống có thêm hương vị sảng khoái.
Sinh tố đu đủ
Do hàm lượng chất xơ cao và enzyme sản xuất papain, đu đủ rất tốt cho tiêu hóa và có tác dụng giảm cân. Nó cũng làm dịu vết cháy nắng, giảm vết rám nắng và giảm huyết áp, khiến thức uống này trở thành một thức uống tuyệt vời để tránh cái nóng mùa hè.
Trà đá
Trà đá là một lựa chọn tuyệt vời để giữ mát và cảm thấy sảng khoái trong suốt mùa hè. Nó hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể và tăng cường lưu thông máu, giúp khôi phục lại sự cân bằng bên trong.
Khi uống trà đá nên tránh trà đã pha từ lâu. Trà để lâu, để qua đêm có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hoá, nguy hiểm cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, không uống trà sau khi ăn. Tannin trong lá trà kết hợp với thức ăn tạo nên những hợp chất khiến hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng, thức ăn khó được hấp thụ, tăng nguyên nhân gây táo bón, tăng nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể.
Nước mía
Nước mía dù có vị hơi ngọt, nhưng nó có nhiều chất chống oxy hóa, sắt, magiê, canxi và các khoáng chất khác hỗ trợ khả năng miễn dịch và giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tật. Nước mía thậm chí còn được Ayurveda khuyên dùng như một phương pháp điều trị bệnh vàng da.
Tuy nhiên, nếu bạn bị tiểu đường thì nên hạn chế sử dụng thức uống này.
Nước bột sắn dây
Theo Đông y, bột sắn dây có vị ngọt, tính mát, giúp giải nhiệt, chữa đau đầu, sốt cao, tiêu chảy, kiết lỵ, giải rượu... luôn được ưu tiên trong những ngày hè.
Tùy theo khẩu vị và mục đích sử dụng, có hai cách pha nước sắn dây: pha sống hoặc pha chín. Cách uống nước sắn dây sống giữ được nhiều hàm lượng dinh dưỡng, sử dụng khi sốt, cảm nắng, giải nhiệt, giải rượu. Tuy nhiên, do bột sắn dây chế biến thủ công nên không tránh khỏi tạp chất, nhiễm khuẩn, trẻ em, phụ nữ mang thai bụng yếu không nên uống sống.
Nước rau má
Nước rau má khi được sử dụng đúng cách không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà còn cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể, bao gồm alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, Fe, Mg...
Để uống nước rau má giải nhiệt lại làm đẹp da vào mùa hè an toàn, với người khỏe mạnh bình thường chỉ nên dùng 40g mỗi ngày và không được dùng quá một tháng.
Thức uống từ hạt húng quế
Một cách khác để đánh bại cái nóng là chuẩn bị đồ uống có chứa hạt húng quế. Loại hạt này được biết là có tác dụng giảm nhiệt cơ thể.
Để chuẩn bị những thức uống này, bạn có thể ngâm hạt húng quế trong nước ấm với tỷ lệ nửa cốc nước và 2 thìa cà phê hạt húng quế. Sau đó làm lạnh và sử dụng nó.