Những bộ rễ cây kỳ dị đã tạo sức hấp dẫn tại khu di tích Ao Bà Om. |
Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia Ao Bà Om (tọa lạc P.8, TP.Trà Vinh, Trà Vinh) hiện có hàng trăm cây sao, cây dầu cổ thụ với những bộ rễ khổng lồ, hình thù kỳ dị trồi lên mặt đất.
Ao Bà Om có diện tích khoảng 150.000 m2, nằm cạnh chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh, được xây dựng từ năm 990. Ao được bao bọc xung quanh bởi các gò cát, hàng cây xanh rì mướt mắt, đặc biệt là hàng trăm cây sao, cây dầu cổ thụ mang bộ rễ lạ mắt.
Rễ cây cổ thụ có hình thù kỳ dị tạo thành các hang hốc đủ rộng để người chui lọt. |
Với những hình dáng kỳ dị, rễ cây xung quanh Ao Bà Om trở thành những tác phẩm nghệ thuật “độc nhất vô nhị”, là một phần di sản tinh thần của người dân Trà Vinh.
Ao Bà Om là thắng cảnh thu hút khách đến hòa mình cùng thiên nhiên. |
Khung cảnh thơ mộng, bình yên của Ao Bà Om. |
Nhiều rễ cây kích thước lớn nổi trên mặt đất cao từ 1 - 2 m, nổi u nần, nhiều đoạn hóa lũa với đủ hình thù, có rễ tạo thành các hang hốc đủ rộng để người chui lọt. Hiện nơi đây được người dân địa phương và du khách gần xa đến ngắm và chụp ảnh lưu niệm, hít thở không khí trong lành giữa màu xanh mướt mắt.
Ngôi chùa Âng là ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh. |
Ao Bà Om còn gắn với những câu chuyện ly kỳ, huyền bí mà người dân ở nơi đây “nằm lòng”. Hiện hàng cây cổ thụ ở đây được đánh giá là 1 trong 4 nơi có dãy cổ thụ đặc biệt ở Việt Nam.
Ngoài cảnh đẹp đến mê mẩn lòng người, ao nước rộng lớn này còn lung linh huyền ảo bởi những câu chuyện nửa hư nửa thực từ bao đời nay ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương.
Những rễ cây trồi lên mặt đất cao từ 1- 2m rất kỳ lạ. |
Những bộ rễ khổng lồ trồi lên mặt đất với hình thù lạ mắt. |
Theo truyền thuyết ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt khan hiếm, ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ chết héo, người dân trong vùng vì hạn hán rơi vào cảnh lầm than. Để cứu dân khỏi cảnh khốn cùng, một ông hoàng trấn nhậm trong vùng quy tụ bà con đào ao tìm nguồn nước.
Tình cờ, trong vùng lúc đó cũng xảy ra một vụ tranh cãi khó phân xử là đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai và ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì thắng, bên thua sẽ phải đi cưới.
Những bộ rễ khổng lồ trồi lên mặt phủ đầy rêu xanh. |
Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om, một phụ nữ Khmer chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông.
Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”.
Những bộ rễ cây với hình dạng lạ lẫm đã tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Ao Bà Om. |
Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ, con phải lấy họ mẹ trong dân tộc Khmer cũng bắt đầu từ đây. Mãi đến sau này khi người Pháp cai trị nước ta thì con mới lấy theo họ cha.
Bộ rễ mang dáng như khủng long nhiều đoạn rễ hóa lũa vì quá lâu năm. |
Anh Tạ Quang (26 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết: “Tôi vào miền Tây công tác suốt 6 tháng qua. Lần đầu đến Trà Vinh và đến tham quan thắng cảnh Ao Bà Om khiến tôi ngỡ ngàng bởi quá đẹp. Những cây cổ thụ với phần rễ nổi lên mặt đất với hình thù kỳ dị khiến tôi thấy rất thú vị”.
Những hàng cây cổ thụ đã tạo nên không gian xanh mát và bình yên. |
Khi nắng chiều buông xuống trên những hàng cây cổ thụ cao vút, thâm u, dài xa tít tắp thì Ao Bà Om chính là nơi dạo chơi lý tưởng nhất ở thành phố Trà Vinh./.