Cả nước hiện nay có hơn 120 nghìn ha chè, trong đó tỉnh Thái Nguyên có 22,5 nghìn ha, là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 ha lớn nhất cả nước. Đáng nói, dù có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để xây dựng vùng sản xuất chè tập trung nhưng chất lượng chè ở Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) vẫn chưa cao, sản lượng không như mong muốn của người dân.
Nhận thức đươc hạn chế này, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên xây dựng và thực hiện “Mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” chè thị trấn Sông Cầu trên diện tích 50 ha với 150 hộ tham gia. Từ khi thực hiện mô hình trên, các hộ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trung tâm cũng cử cán bộ tập huấn kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân thực hiện đúng quy trình từ thời điểm đốn chè, thời gian bón phân, lượng phân bón, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm phun thuốc, thu hái, chế biến, ghi chép sổ nhật ký, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc.
Phát triển mô hình chè an toàn tại Thái Nguyên
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết: Thực hiện mô hình, năng suất chè bình quân đạt 112 tạ/ha, tăng 2,6 tấn, thu nhập đạt 249 triệu đồng/ha, cao hơn trước khi thực hiện mô hình là 106 triệu đồng, nếu chế biến thì mang lại giá trị đạt 336 triệu đồng/ha. Cùng với đó, hình thành Hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An, các tổ liên kết sản xuất chè bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ vững chắc, được người tiêu dùng tín nhiệm, đánh giá cao, chè chất lượng cao bán giá 1,5 triệu đồng/kg, tạo thương hiệu chè Sông Cầu, góp phần tích cực tăng thu nhập cho nông dân. Mặt khác, mô hình tạo sự lan tỏa ra toàn thị trấn.
Đến nay, nghề chè trên địa bàn tỉnh thật sự phát triển cả về phương thức sản xuất và tổ chức sản xuất với việc ra đời hàng loạt HTX, làng nghề liên kết sản xuất ở các địa phương, giá trị chè ngày càng nâng cao. Có thể kể tới thương hiệu chè nổi tiếng ở sườn đông dãy Tam Đảo, thuộc xã La Bằng, huyện Đại Từ của HTX chè La Bằng. HTX đã tạo dựng được liên kết sản xuất chè sạch theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Việc sản xuất chè ở HTX chè La Bằng theo quy trình đồng nhất, Ban quản trị HTX thống nhất quản lý về chất lượng, từ việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho xã viên, thống nhất thời điểm thu hái, tiêu thụ chè tươi, chè thành phẩm, đóng gói, tiêu thụ nên giữ được hương vị đặc trưng, chất lượng nên năm 2017, chè La Bằng được chọn làm quà tặng cho các đại biểu cấp cao dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
Trên địa bàn tỉnh, khoa học, kỹ thuật được áp dụng từ khâu sản xuất, chế biến đến đóng gói cho nên năng suất, chất lượng chè tăng lên, đồng thời giảm thiểu công lao động.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đến nay, giá trị chè sau chế biến đạt bình quân từ 250- 300 triệu đồng/ha, một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng, Tức Tranh đạt giá trị từ 400 đến 650 triệu đồng/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt gần 240 nghìn tấn, tăng 14% so với năm 2016, giá trị ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn”.
Linh Anh