Tác dụng hữu ích của cây trường sinh thảo Tác dụng của sài hồ nam Củ niễng - Món ăn dân dã nhưng lại có tác dụng chữa bệnh |
Đặc điểm của sơn tra
Sơn tra có tên khoa học Crataegus cuneara Sied, thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae), tên gọi khác là dã sơn tra, xích qua tử, bắc sơn tra, nam sơn tra, thử tra, hầu lê, mao tra, phàm tử,...
Sơn tra là cây thân gỗ, sống lâu năm, xung quanh thân và cành non được bao phủ bởi nhiều lông tơ mịn. Tùy từng vị trí địa lý khác nhau mà Sơn tra có sự phát triển về hình dạng, kích thước và một số thành phần hóa học khác nhau.
Bắc sơn tra (Crataegus pinnatifida) là một cây cao 6m, cành nhỏ thường có gai nhọn. Lá hình trứng, dài 5 - 10cm, rộng 4 - 7cm, mọc so le, có 3 - 5 thùy, mép có răng cưa, mặt dưới dọc theo các gân có lông mịn, cuống lá dài 2 - 6cm. Hoa mẫu 5, hợp thành tán, đài có lông mịn, cánh hoa màu trắng. Quả hình cầu, đường kính 1 - 1,5cm, lúc chín có màu đỏ.
Nam sơn tra hay dã sơn tra (Crataegus cuneata) cao 15m, có gai nhỏ 5 - 8mm quanh thân. Lá dài 2 - 6cm, rộng 1 - 4,5cm, có 3 - 7 thùy, mặt dưới lúc đầu có lông mịn, sau nhẵn. Hoa mẫu 5, hợp thành tán. Cánh hoa màu trắng, 20 nhị. Quả hình cầu đường kính 1 - 1,2cm, khi chín có màu vàng hoặc đỏ.
Quả sơn tra được dùng làm dược liệu điều trị bệnh.
Sơn tra thu hái quanh năm khi quả chín. Chỉ thu hái những quả vừa chín với mục đích dùng làm dược liệu.
Sau khi hái sơn tra về, mang đi rửa sạch loại bỏ bụi bẩn. Để ráo nước, thái thành lát mỏng, độ dày khoảng 0,3 – 0,7 cm. Mang sơn tra thái mỏng đi phơi nắng hoặc sấy khô, bảo quản nơi thoáng mát và dùng dần.
Sơn tra thường mọc hoang ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, vùng núi Hoàng Liên Sơn, Lạng Sơn,…
Thành phần hóa học: Sơn tra chứa hàm lượng lớn Vitamin C, ngoài ra nó cũng bao gồm nhiều hoạt chất khác như Sắt, Acid caffeic, Acid citric, Acid oleanolic, Acid crate golic, Cacbonhidrat, Acetylcholine, Protid, Choline, Calci, Ursolic, Phytosterin, Phốt pho,...
Theo y học cổ truyền: Vị thuốc sơn tra có vị chua, ngọt, tính lạnh, không chứa độc; quy và kinh Tỳ, Vị, Can. Hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, loại bỏ huyết ứ, lợi tiểu,...
Theo y học hiện đại: Hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa: thúc đẩy bài tiết dịch vị và dịch mật, gia tăng hoạt tính của các men tiêu hóa như amylolytic enzyme, lipolytic enzyme…, điều tiết sự co bóp của cơ trơn cho ruột và dạ dày.
Hạn chế một số vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, coli, than, bạch hầu, thương hàn, mủ xanh và tụ cầu vàng, sơn tra sao đen có thể hấp thụ các chất hoại tử và độc tố của vi khuẩn, làm giảm kích ứng thành ruột và làm giảm nhu động ruột nhờ đó mà có tác dụng giảm đau, cầm đi lỏng và chỉ lỵ.
Làm giãn và gia tăng lưu lượng động mạch vành tim, giảm thấp lượng oxy tiêu thụ của cơ tim, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ tim mạch và phòng chống hữu hiệu các bệnh lý thuộc động mạch vành, hạ huyết áp.
Giảm mỡ máu, đặc biệt là cholesterol, ức chế sự lắng đọng của chất mỡ ở thành mạch, vì thế có tác dụng dự phòng bệnh xơ vữa động mạch.
Giúp giãn phế quản, thúc đẩy hoạt động của hệ vi nhung mao ở thành phế quản nhờ đó mà có tác dụng hóa đờm bình suyễn.
Tăng cường sức miễn dịch của cơ thể, chống ngưng tập tiểu cầu.
Phòng chống ung thư.
Trấn tĩnh, an thần.
Chống oxy hóa, bảo hộ tế bào gan.
Điều hòa kinh nguyệt, giảm đau và làm cho tử cung hồi phục nhanh sau khi sinh sản.
Bài thuốc sử dụng sơn tra
Điều trị tiêu chảy
Lấy 10g sơn tra tán thành bột mịn, pha cùng nước sôi để uống.
Trị ăn uống không tiêu
Sơn tra 10g, hoàng liên 2g, chỉ thực 6g, trần bì 5g sắc cùng 6 chén nước, đến khi cạn còn 2 chén là được. Chia thuốc thành ba phần, sử dụng trong ngày.
Chữa ợ chua, ợ hơi, ợ nóng
Lấy sơn tra sống và sơn tra sao vàng, mỗi vị phân lượng 20g, sắc thành nước, uống thuốc trong ngày.
Trị tiêu chảy ở trẻ em
Sơn tra lượng vừa phải để nấu thành siro. Mỗi lần cho trẻ dùng 5 – 10 ml. Mỗi ngày uống 3 lần vào buổi sáng, trưa và tối.
Điều trị kiết lỵ cấp tính và viêm đại tràng cấp tính
Cách 1: Sơn tra (sao cháy sơ qua) 60g trộn đều với 30 ml rượu, sao cho tới khi khô. Cho thêm 200 ml nước, sắc thêm khoảng 15 – 20 phút. Bỏ đi phần bã, chỉ dùng phần nước sắc. Cho thêm 60g gừng tươi và sắc đến khi nước sôi lên lần nữa thì tắt bếp. Dùng thuốc khi còn nóng.
Cách 2: Sơn tra 120g (sao cháy), 30g bạch biển đậu hoa sắc với 5 phần nước, đến khi cạn còn 2 phần thì dùng uống. Dùng thuốc khi còn nóng cho hiệu quả tốt nhất.
Trị kiết lỵ mới phát
Dùng 30g sơn tra sắc cùng với nước. Đun gần cạn nước, cho thêm 30g đường mía và tế trà sắc đến khi thu được một hỗn hợp đặc quánh. Uống khi còn nóng cho hiệu quả tốt nhất.
Trị nhọt tụ lại không tiêu
Dùng sơn tra 120g sắc cùng với một lượng nước vừa đủ, đến khi cạn còn một lượng nước sền sệt thì thì dùng. Nên dùng luôn cả phần bã sơn tra để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.
Điều trị bệnh ghẻ
Sơn tra khô lượng vừa đủ nấu cùng với nước, dùng tắm hoặc rửa vị trí bệnh ghẻ lở. Nên sử dụng nước thuốc khi còn ấm để đạt hiệu quả tối đa.
Trị huyết áp thấp
Sơn tra và ty thế phân lượng bằng nhau, phơi khô rồi tán mịn. Sắc thuốc với nước của lá Ngải cứu.
Chữa sán khí thoái vị, dịch hoàn xệ xuống
Sơn tra và hồi hương (sao vàng) mỗi vị 30g đem tán thành bột mịn. Trộn cùng một ít mật ong, làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt ngô rồi bảo quản dùng dần. Mỗi lần dùng 50 viên uống với nước sôi để nguội. Dùng thuốc trước khi ăn bữa chính hoặc khi bụng đói.
Đau bụng, dịch không ra hết ở phụ nữ sau sinh
Sơn tra sắc với một lượng nước vừa đủ. Đun nhỏ lửa đến khi cạn còn hỗn hợp đặc quánh thì hòa cùng một ít đường, dùng uống lúc đau bụng hoặc khi đói.
Chữa đau bụng do ứ trệ sau sinh, kinh nguyệt ứ
Sơn tra 40g sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Lọc bỏ phần bã thuốc, hòa uống cùng 25g đường.
Điều trị Lipid máu cao
Sơn tra và mạch nha trộn cô đặc, mỗi vị phân lượng bằng nhau. Mỗi lần dùng 30g để uống, uống 2 lần mỗi ngày, trước và sau bữa ăn đều được. Dùng liên tục nửa tháng.
Trị đau lưng, nhức mỏi tay chân ở người cao tuổi
Sơn tra và lộc nhung (nướng) phân lượng bằng nhau tán thành bột mịn. Trộn cùng một ít mật ong sau đó làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 50 viên hoàn cùng với rượu ấm, mỗi ngày uống 2 lần.
Lưu ý khi sử dụng dược liệu sơn tra:
Người tỳ vị hư yếu nặng, không có biểu hiện đầy trướng hay tích trệ.Không dùng với bệnh nhân dị ứng hay quá mẫn cảm với các thành phần của quả sơn tra.
Người có tiền sử bệnh lý loét dạ dày - tá tràng nặng, xuất huyết dạ dày không nên sử dụng.
Trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh lý có phù hợp với bài thuốc không.
Tác dụng hữu ích của cây mè đất |
Quả mít non có tác dụng gì? |
Tác dụng của địa cốt bì |