Đặc điểm của củ niễng
Củ niễng có tên khoa học Zizania latifolia Turcz, thuộc họ Lúa (Poaceae), tên gọi khác là cây lúa miêu, giao cẩu, cao duẩn, giao bạch tử, niễng, niềng niễng, giao bạch.
Củ niễng là cây thân thảo, trông giống cây lau, sậy, sống lâu năm. Cây trưởng thành cao khoảng 1-2m, rễ nhiều, thân rỗng có vách ngang, phần dưới thân phát triển rộng và xốp. thường mọc chìm dưới nước hoặc những vùng có nhiều bùn.
Lá niễng phẳng, hình mác, thuôn dài khoảng 30-100cm, chiều rộng lá khoảng 2-3cm, mặt lá thô ráp, mép lá dày, bẹ lá nhẵn và có hình bầu dục, có nhiều khía rãnh. Ở các nách lá có nhiều chồi, đến mùa phát triển sẽ đâm ra thành các lá mới.
Hoa mọc thành cụm theo hình chùy, hẹp, dài khoảng 30-50cm, hoa đực ở phía dưới, hoa cái mặt ở phía trên.
Thân cây có một loại nấm ký sinh là Ustilago esculentum Hennings, ăn được. Loại nấm này khiến thân cây phồng lên và có nhiều đốm đen (bào tử nấm), làm cho các món ăn từ củ niễng trở nên béo và bùi.
Củ niễng có nguồn gốc từ miền Đông Siberia, hiện nay được trồng rộng rãi hay mọc hoang ở nhiều nước châu Á, được trồng nhiều ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc. Tại Việt Nam, củ niễng được thấy ở ruộng nước, ven các bờ ao, hồ, vùng nước có bùn lầy nhão.
Bộ phận được dùng làm dược liệu là phần thân to (củ), phồng xốp được nấm ký sinh, có thể dùng tươi khi vừa mới hái hoặc khi cây có quả đem phơi khô dùng làm thuốc.
Củ niễng thường được trồng vào tháng 9, lúc nước luôn luôn ngập. Một số nơi có thể trồng vào tháng 11 – 12 sau khi đã phơi nắng cây một thời gian. Trồng sau một năm là có thể thu hái được.
Củ niễng thường được sử dụng tươi, do đó nếu thu hái vừa đủ để sử dụng. Nếu sử dụng không hết có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Thành phần hóa học: Củ niễng bao gồm các hoạt chất: nước (9,2%), protein (12,5%), lipid (1,6%), carbohydrate (70,2%), chất xơ (5,2%). Ngoài ra, nó còn chứa đa dạng các ion kim loại như: Canxi, Kali, Magie, Natri, Photpho, Kẽm, Sắt,... hay các vitamin B1, B12, PP, E,...
Loại nấm ký sinh phân lập từ củ niễng chịu được nhiệt độ cao, có thể phân hủy tinh bột, gelatin, casein, đường,... Trong quả khô (Giao bạch tử) cũng chứa đa dạng các loại dinh dưỡng: protein (1,2%), lipid (0,1%), Cacbonhydrat (2,8%).
Bài thuốc sử dụng củ niễng
Chữa đau dạ dày do nhiệt
Củ niễng xay nhuyễn, lọc lấy nước uống trực tiếp. Ngày uống 1 lần, dùng liên tục trong 4 - 5 ngày.
Chữa sốt và kiết lỵ
Cách 1: 4 – 6 g củ niễng tươi, sắc nước uống mỗi ngày một lần, uống khi còn ấm.
Cách 2: Củ niễng 100g, Lá mơ lông 1 nắm giã nhỏ, cho trứng gà vào đánh đều rồi hấp chín. Mỗi ngày ăn 1 lần, dùng liên tục 6 - 10 ngày.
Bệnh đái tháo đường
Củ niễng, gạo tẻ mỗi loại 100g, thịt lợn băm nhỏ 50g, nấm hương vừa đủ. Hầm chung đến khi nhừ, cho gia vị dùng như món ăn bình thường.
Chữa táo bón
Cách 1: Củ niễng 150g rửa sạch, bóc vỏ, thái vừa ăn, khoai lang 100g, thịt nạc 100g xào chín, nêm thêm gia vị, ăn khi còn nóng. Sử dụng từ 3-5 ngày để cải thiện tình trạng táo bón.
Cách 2: Củ niễng 150g bóc sạch, khoai tây 100g, thịt thỏ 100g, đu đủ gần chín 50g, hầm nhừ thêm gia vị vừa ăn. Dùng một lần trong ngày, liên tục 4-5 ngày.
Trị cao huyết áp
Củ niễng bóc bẹ, gọt vỏ, đem luộc chín sau đó thái sợi và để ráo nước. Dùng trứng gà đánh nhuyễn, rán mỏng, cho niễng đã thái lên. Dùng khi còn nóng.
Thanh nhiệt, giải độc
Củ niễng 200g, gừng tươi 3 lát, thịt nạc 100g, cà rốt 50g. Xào và cho gia vị, sử dụng như thực phẩm hàng ngày.
Mặc dù củ niễng rất tốt và có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn người dùng nên tham vấn ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ đông y trước khi sử dụng củ niễng trong việc điều trị bệnh./.
Loại cá "nhỏ mà có võ", vừa làm gia vị trứ danh vừa làm kho thuốc quý |
Hoa thiên lý, vừa là thuốc vừa là rau ăn |
Những cây cảnh có hoa vừa đẹp vừa thơm, lại là kho thuốc quý trong nhà |