Hành trình “gian nan” đi tìm sản vật tự nhiên
Chẳng phải tự nhiên mà người dân nơi đây coi sáp ong khoái là sản vật của núi rừng, bởi từng công đoạn để “sở hữu” được thứ nguyên liệu quan trọng này là điều không hề đơn giản.
Khi xuân đến, tiết trời ấp áp là lúc từng đàn ong khoái bay về xóm Hoài Khao làm tổ với số lượng khoảng 60 - 80 tổ. Sang thu, ong bay đi để lại vỏ sáp trên những vách núi cheo leo, cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức nghi lễ cúng thần ong, thần rừng, thu hoạch tổ ong khoái và chế biến thành sáp ong nguyên chất phục vụ đời sống. Đây là loại nguyên liệu độc đáo mà người phụ nữ Dao Tiền dùng để in hoa văn lên trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Tuy nhiên, loài ong khoái thường làm tổ trên những vách đá cheo leo với độ cao khoảng 20 - 30m so với mặt đất, tổ ong có đường kính lên tới 1,5 - 2m khiến việc thu hoạch của người dân là không dễ dàng.
Ông Lý Văn Xuân - một người dân xóm Hoài Khao với gần hai chục năm “hành nghề” thu hoạch sáp ong chia sẻ, để thu hoạch được những tổ ong đó, người dân phải lội suối, băng rừng, men theo chân núi và mất nhiều giờ đồng hồ mới đến nơi.
Khi trước mắt hiện ra từng tổ ong khoái, người đàn ông khỏe mạnh sẽ dùng thang tự chế, buộc chặt vào thân cây to gần vách đá rồi leo lên, dùng sào tre có gắn thanh gỗ dẹt để chọc và “hạ gục” từng tổ ong khoái khổng lồ.
Kỹ thuật nấu sáp ong nguyên chất
Người dân nơi đây ví những người nấu sáp ong như một nghệ nhân, bởi từng công đoạn đều phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể tạo nên những khối sáp ong tinh khiết. Vì thế, việc làm này sẽ do chị em phụ nữ trong xóm đảm nhận.
Sau khi những tổ ong khoái được đem về nhà, người dân sẽ cắt nhỏ ra rồi cho vào một loại chảo gang cỡ lớn nấu chung với nước. Khi nước sôi, sáp ong nguyên chất tan dần, hòa với nước nhưng vẫn còn sót lại sáp trong những vỉa tổ ong. Người dân sẽ chuẩn bị những chiếc giỏ tự đan bằng tre, nứa xúc những vỉa tổ ong đang đun trong chảo chuyển sang chiếc chảo khác, rồi dùng tre kẹp để ép nước sáp ong chảy xuống chảo. Phần sáp thô sẽ được loại bỏ ra ngoài.
Cầu kỳ trong từng công đoạn nấu sáp ong |
Sau khi hoàn thành công đoạn ép, người dân sẽ đổ nước lạnh vào chảo, sáp ong khi gặp nước lạnh sẽ kết tinh dần tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước.
Những vỉa sáp ong đã vớt lên một lần nữa được rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất rồi cho vào chảo cô đặc lại, đảm bảo sáp ong thật tinh khiết. Từng khối sáp thành phẩm cuối cùng phải đạt độ mịn, có màu vàng óng, cô đặc và có thể bảo quản nhiều năm để dùng dần mà không bị hư hỏng.
Sáp ong có nhiều loại, nhưng để in được hoa văn đẹp và sắc nét thì phải dùng đến sáp ong khoái tại xóm Hoài Khao. Mỗi năm, những tổ ong khoái này đem lại cho bà con trong xóm từ 70 - 80kg sáp ong cô đặc, chia đều cho mỗi hộ gia đình 3 - 4 kg.
Bà Chu Thị Mai - người phụ nữ lớn tuổi ở xóm Hoài Khao cho biết: “Tại bản, những cô bé khi mới lên đã được bà, mẹ truyền dạy cách in hoa văn như cỏ cây, hoa lá, chim muông,... bằng sáp ong. Cứ thế khi lớn lên đã có kinh nghiệm và làm ra được nhiều bộ trang phục truyền thống cho cả nam và nữ, sử dụng trong các dịp lễ hội, lễ cấp sắc, lễ trưởng thành,…”
Không chỉ dùng để phục vụ đời sống, sáp ong khoái của người Dao Tiền còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân. “Có nhiều lúc du khách đến tham quan và đặt hàng sáp ong khoái nhưng không đủ để bán và cung ứng ra thị trường. Với nhiều đơn đặt hàng nên thu nhập của người dân từ sáp ong khoái cũng tăng lên” bà Mai cho biết thêm.
“Một công đôi việc” vừa bảo tồn được nét văn hóa truyền thống, vừa phát triển được kinh tế là một trong những lý do để bà con nơi đây bảo vệ, tôn thờ, thu hoạch sáp ong khoái hàng năm được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chính những nét văn hóa đặc sắc và sự gìn giữ, bảo tồn của người Dao Tiền đã giúp Hoài Khao trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.