Ngư dân ĐBSCL trúng vụ cá linh non với giá cao Cá linh kho mía, cá mè vinh kho lạt - đặc sản mùa nước nổi miền Tây |
![]() |
Cá linh non là đặc sản của miền Tây trong mùa nước nổi. |
Lũ về muộn cá linh non ít nên giá tăng vọt
Là đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long, cá linh non, chỉ xuất hiện vào mùa lũ nên được nhiều người lùng mua dù giá bán lẻ ở TP HCM lên 400.000 đồng một kg. Mọi năm, cứ đến cuối tháng 7 là xuất hiện cá linh non, nay lũ đến muộn nên sản lượng cá này ít hơn hẳn.
Bán cá linh non ở Đồng Tháp hai ngày nay, chị Kiều Oanh cho biết mỗi kg cá chạy oxy có giá 300.000 đồng. Giá cao nhưng đây là cá còn tươi sẽ ngọt và ngon hơn nhiều so loại ướp đá. "Gom được bao nhiêu, tôi bán hết trong ngày, thậm chí không đủ cung cấp cho khách", chị Oanh nói.
![]() |
Cá linh non năm nay vẫn còn khan hiếm nên giá đắt đỏ. |
Trong khi đó tại Tân Châu (An Giang), chị Thoại Nhi cho biết mỗi ngày gom được khoảng 7-10 kg cá loại bằng đầu đũa. Sau khi làm sạch ruột, chị bán giá sỉ 250.000 đồng một kg, còn chưa làm ruột giá 200.000 đồng.
Theo chị Nhi, giá cá linh non đầu mùa hiện cao hơn 3-5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là mùa nước nổi năm nay đến muộn, lượng cá linh thu hoạch giảm 20-25% so với năm 2022.
"Cá linh non càng nhỏ giá càng cao vì thịt chúng ngọt và xương mềm. Còn loại to đa phần là cá nuôi, xương to, không thơm và ngọt như hàng thiên nhiên", chị Nhi nói.
![]() |
Người dân miền Tây đánh bắt cá linh vào mùa nước nổi. |
Ghi nhận ở TP HCM, cá linh non chủ yếu được rao bán trên mạng, có giá 200.000-380.000 đồng một kg với loại ướp đá. Đối với loại còn sống và thở oxy, giá cao hơn và các đầu mối cho biết thường nhận đơn hàng trước và giao sau 2-3 ngày. Thông thường khách phải đặt cọc 50% giá trị đơn hàng.
Tại các chợ truyền thống, cá linh chỉ xuất hiện ở một vài sạp bán cá đồng và số lượng hạn chế 1-3 kg (tùy sạp). Chị Hoa, tiểu thương bán hàng bên hông chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho biết chỉ nhập được vài bịch cá linh (500 gram một bịch) vì lo giá cao khó bán.
Cá linh non tự nhiên khó kiếm cá ươm tạo lên ngôi
Chợ đầu mối Bình Điền hiện nay cũng ghi nhận cá linh về không nhiều. Quản lý tại đây cho biết sản lượng còn rất thấp, đầu mùa cá hiếm nên hàng đa phần là loại ươm tạo nhưng giá cũng khá cao.
Ông Dương Thọ Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Đồng Tháp cho biết mùa cá linh năm nay đã muộn gần 3 tháng so với mọi năm.
"Nguồn cung cá linh non trên thị trường rất thấp, đa phần là cá ươm tạo. Khoảng 1-2 tháng nữa cá mới xuất hiện nhiều. Do đó, giá cá linh non tự nhiên bán ra trên thị trường rất cao", ông Trường nói. Theo ông này, thời gian tới nếu lũ về lớn có thể sản lượng sẽ tăng và giá cá sẽ giảm xuống.
Cá linh là đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi tại hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Cá non xương mềm được người dân, nhà hàng thu mua chế biến nhiều món ngon, đáp ứng nhu cầu của thực khách.
![]() |
Cá linh non được thu gom tại Tân Châu (An Giang). |
Thông thường, vào tháng 7 hằng năm, khi nước nổi về mang theo nguồn lợi cá linh non vào đồng, kênh, rạch ẩn náu. Từ tháng 10 trở về sau, cá lớn bằng ngón tay cái là cao điểm khai thác cá linh. Năm nào cá nhiều, ngư dân tăng thêm thu nhập. Cá linh được các vựa cá thu gom về chế biến mắm sống, nước mắm cá linh, cá linh đóng hộp.
Để bảo vệ nguồn cá linh non, trước đó, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã ban hành quy định từ ngày 31/7 hằng năm mới được khai thác cá linh non, cấm bắt cá linh non có chiều dài dưới 55mm.
Về sau, quy định này đã bãi bỏ. Chi cục Thủy sản An Giang chỉ cấm đánh bắt cá linh bằng đáy và một số lưới có kích cỡ mắt lưới nhỏ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mùa nước nổi năm 2022, cá linh non xuất hiện chậm so chu kỳ. Năm nay, ngư dân lo lắng vì lượng cá linh đánh bắt được vừa qua cho thấy nguồn cá linh non không nhiều so trước đây. Hiện, mực nước lũ chưa cao dù những ngày qua mưa, bão diễn ra liên tục. Nước lũ vào các cánh đồng còn thấp nên cá đồng, cá sông vào đồng sinh sôi cũng rất ít.
Mùa cá linh về là cơ hội để nhiều người dân miền Tây hạ bạc, đóng thuyền ở những con sông để đánh bắt loại đặc sản trời cho này. Để đánh bắt cá linh, người dân thường sử dụng các phương tiện như vó, chài, thả lưới đặt xuống sông. Từ loại đặc sản trời cho này, người dân miền Tây đã chế biến ra nhiều món ăn mang đậm hương vị, hấp dẫn như món cá linh nướng kẹp que tre ăn với rau cải trời chấm mắm tỏi, cá linh kho rim với mía, cá linh nấu lẩu bông điên điển…/.