Cảnh báo mưa lớn và nguy cơ sạt lở tại vùng đô thị, trung du
![]() |
Những điểm có nguy cơ mưa rất lớn do bão số 3. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 đang tạo ra đợt mưa lớn kéo dài, phức tạp tại nhiều địa phương. Trọng điểm mưa lớn tập trung ở các tỉnh đồng bằng và trung du như Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, phía nam Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An. Dự báo từ ngày 21 đến đêm 22/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có lượng mưa phổ biến từ 170 đến 280mm, nhiều nơi có thể vượt 450mm.
Cùng thời gian này, các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh sẽ ghi nhận lượng mưa phổ biến 80–160mm, có nơi vượt 250mm. Cường độ mưa lớn có thể đạt trên 150mm trong vòng 3 giờ, đi kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt nguy hiểm tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc.
Về nguy cơ sạt lở đất, các địa phương như Quảng Ninh, Sơn La, Nam Phú Thọ (thuộc khu vực Hòa Bình cũ), phía tây Thanh Hóa và Nghệ An được cảnh báo ở mức rất cao. Bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: “Khi bão áp sát bờ, cấu trúc mây sẽ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho mưa lớn diện rộng. Các tỉnh vùng núi như Thanh Hóa và Nghệ An sẽ là trọng điểm của hiện tượng mưa cực đoan.”
Bà Bình cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ sạt lở sau bão thường bị xem nhẹ. “Ngay cả khi bão tan và mưa giảm, nền đất đã bị thấm nước và suy yếu vẫn có thể gây ra sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt ở các sườn dốc,” bà cảnh báo.
Đáng chú ý, tình trạng ngập úng tại các khu đô thị và cụm công nghiệp đã được đưa vào diện cảnh báo sớm. Các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đều thuộc nhóm nguy cơ ngập sâu. Riêng chiều ngày 21/7, hệ thống ra đa ghi nhận mây đối lưu từ Bắc Ninh di chuyển nhanh về nội thành Hà Nội, gây mưa dông mạnh ở các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ và nhiều phường trung tâm. Trong các đợt mưa dông này, hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ cao, được cảnh báo ở cấp độ 1.
Ứng phó khẩn cấp để bảo vệ sản xuất và sinh kế
![]() |
Người dân nên hạn chế di chuyển khi không cần thiết. |
Từ tối 21 đến ngày 25/7, trên hệ thống sông tại Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có thể xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 3 đến 6 mét. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, sông Thao và thượng nguồn sông Mã có thể đạt mức báo động 2 đến báo động 3.
Trong khi đó, các sông như Lô, Đà (tại hồ Hòa Bình), Cầu, Thương, Lục Nam, Hoàng Long và thượng nguồn sông Cả dự kiến lên mức báo động 1 đến 2, một số nơi có thể vượt mức báo động 2. Các hạ lưu sông Hồng, Thái Bình, Mã và Cả dao động quanh ngưỡng báo động 1. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ được xác định ở mức cấp 2.
Mưa lớn kết hợp với lũ lên nhanh không chỉ đe dọa các vùng trũng thấp ven sông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có giao thông thủy nội địa, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, quản lý hồ đập và an toàn dân sinh.
Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn tại các hồ chứa lớn cần được tăng cường. Các hồ Bản Vẽ (Nghệ An), Cửa Đạt và Trung Sơn (Thanh Hóa) được liệt kê vào danh sách theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa nguy cơ vỡ đập trong điều kiện mưa lũ lớn.
Từ ngày 24–25/7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Đây là giai đoạn dự báo kéo dài đỉnh lũ, gây khó khăn cho công tác tiêu thoát nước ở các đô thị và phòng chống sạt lở ở vùng núi.
Không chỉ miền Bắc và Bắc Trung Bộ, các khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng ghi nhận mưa rào và dông rải rác trong ngày 21/7, có nơi lượng mưa vượt 70mm, tập trung chủ yếu vào chiều và tối. Trong các cơn dông, hiện tượng lốc, sét và mưa đá vẫn có thể tái diễn với cường độ nguy hiểm.
Dự báo dài hạn cho thấy, mưa lớn kéo dài cùng độ bão hòa đất cao và dòng chảy mạnh từ các thượng nguồn sẽ khiến các vùng trũng, ven sông và đồi núi dễ bị tổn thương hơn. Trong bối cảnh phát triển hạ tầng đô thị nhanh nhưng hệ thống tiêu thoát nước còn chưa đồng bộ, nguy cơ ngập úng cục bộ hoặc kéo dài đang trở thành bài toán cấp bách cần được ưu tiên ứng phó.