Nguy cơ thiệt hại lớn nếu lơ là ứng phó
![]() |
Tàu thuyền khẩn trương quay về tránh trú bão trước cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển |
Sáng 21/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phát công văn khẩn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố ven biển như Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, yêu cầu nhanh chóng huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện nhằm kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, đến 6h30 sáng 21/7, vẫn còn 425 tàu với tổng cộng 1.560 người hoạt động trong vùng biển nguy hiểm, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, Ninh Bình có số lượng tàu nhiều nhất với 137 tàu/284 người, tiếp theo là Nghệ An với 173 tàu/675 người. Các địa phương khác như Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Ngãi cũng đang có hàng chục tàu trên biển, khiến công tác kêu gọi về bờ càng trở nên cấp bách.
Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và nếu cần thiết phải cưỡng chế tàu thuyền di chuyển về nơi trú tránh. UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về an toàn của ngư dân và việc thực hiện nghiêm túc Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cơ quan truyền thông quốc gia như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải... đẩy mạnh phát sóng, thông tin rộng rãi về tình hình tàu thuyền đang hoạt động ngoài biển để ngư dân và người nhà kịp thời nắm bắt, di chuyển vào bờ, tránh những rủi ro đáng tiếc về người và tài sản.
Phối hợp liên ngành bảo vệ vùng duyên hải và đất liền
![]() |
Lực lượng chức năng tăng cường gia cố hạ tầng ven biển để ứng phó với gió mạnh và nước dâng do bão. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào 10h sáng 21/7, vị trí tâm bão nằm ở 21,2 độ Vĩ Bắc và 109,6 độ Kinh Đông, cách Hưng Yên khoảng 340 km và cách Ninh Bình khoảng 365 km về phía Đông Đông Bắc; cách Quảng Ninh – Hải Phòng hơn 200 km. Bão có sức gió mạnh cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11 và di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15 km/h.
Dư báo trong những giờ tới, khu vực phía tây bắc Biển Đông tiếp tục có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh. Tại vịnh Bắc Bộ, gió mạnh cấp 6-7 sẽ tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao từ 2-5m, biển động dữ dội. Khu vực nam vịnh Bắc Bộ, bao gồm đảo Hòn Ngư, cũng đối diện nguy cơ sóng lớn và gió giật mạnh.
Đặc biệt, khu vực ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Ninh sẽ có hiện tượng nước dâng do bão từ 0,5 đến 1m. Mực nước đo được tại các trạm như Hòn Dấu (Hải Phòng) có thể lên đến 4,1m; Cửa Ông (Quảng Ninh) đạt 4,8m; Trà Cổ (Quảng Ninh) cũng có thể lên đến 4m, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng cao tại vùng ven biển và cửa sông trong chiều 22/7.
Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc: thời tiết trong vùng ảnh hưởng của bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ loại hình phương tiện hay công trình nào hoạt động ngoài biển, đặc biệt là tàu du lịch, tàu vận tải, tàu cá, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè và các tuyến đường ven biển. Những phương tiện hoạt động trong điều kiện này có nguy cơ cao bị lật úp, phá hủy, hoặc ngập úng do ảnh hưởng từ gió mạnh, dông lốc, sóng lớn và nước biển dâng.
Dự báo từ tối 21/7, gió tại ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Trên đất liền, các tỉnh ven biển sẽ có gió cấp 7-9, sâu trong đất liền gió vẫn mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Với cấp gió này, cây cối, cột điện có thể bị quật đổ, mái nhà có thể bị tốc và gây thiệt hại lớn nếu không có biện pháp gia cố kịp thời.
Từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to kèm theo dông lốc, với lượng mưa phổ biến từ 200-350mm, một số nơi có thể vượt mốc 600mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh cũng có mưa vừa đến mưa to, có nơi trên 300mm. Cơ quan khí tượng đặc biệt lưu ý khả năng xảy ra mưa cực lớn trên 150mm trong 3 giờ, gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, cũng như ngập úng ở vùng trũng thấp. Việc các địa phương triển khai kịp thời các phương án ứng phó, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, gia cố công trình ven biển và phối hợp liên ngành sẽ là yếu tố then chốt giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra.