Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long thuộc quần thể vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, cách Hà Nội khoảng 200km về phía Đông
Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 15.780ha, trong đó, diện tích đảo nổi 6.125ha, với hơn 80 hòn đảo và 9.658ha mặt nước biển. Vườn Quốc gia Bái Tử Long có 6 hệ sinh thái rừng biển cơ bản bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng bãi triều, hệ sinh thái vụng, hang động, hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới. Đặc biệt, Vườn có một số loài quý hiếm có giá trị bảo tồn về khoa học và giá trị kinh tế cao, như: Lim, lát hoa, trai lý, ba kích, khỉ vàng, san hô, bào ngư, sá sùng, ngán, rùa biển...
Ngoài ra, theo khảo sát Vườn Quốc gia có trên 178 loài thực vật thuỷ sinh 119 loài cá, 132 loài động vật không xương sống, 106 loài san hô trú ngụ, sinh trưởng tại vùng biển, bãi triều, vụng áng và hàng chục loài chim săn mồi đặc hữu như: diều hâu Miến Điện, chim ưng Nhật Bản, diều hâu đen, chích chòe lửa, bìm bịp lớn, đớp ruồi Hải Nam…
Loài khỉ đuôi dài tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long
Cấu tạo địa chất của Vườn quốc gia Bái Tử Long bao gồm những đảo đất nằm xen kẽ với đảo đá như: Ba Mùn, Trà Ngọ Lớn, Trà Ngọ Nhỏ, Sậu Nam, Sậu Động, Đông Ma, Hòn Chính, Lò Hố, Máng Hà Nam, Máng Hà Bắc, Di To, Chầy Cháy, Đá Ẩy, Soi Nhụ, có những dãy núi đá vôi vây quanh những thung lũng rộng lớn tạo thành những thung áng tạo ra môi trường sống phong phú của nhiều loại động thực vật khác nhau.
Nổi bật là Thung áng Hang Dơi nằm ở khu vực Cái Lim, thuộc đảo Trà Ngọ Lớn, đây là khu rừng ngập mặn rộng khoảng 10ha, địa hình của thung áng Hang Dơi là không trực tiếp tiếp xúc với nước biển. Nước biển chảy qua những hang ngầm hay những khe hốc đá, cộng với nước ngọt chảy trên sườn núi xuống tạo ra sự đa dạng của các loài động thực vật. Ở đây có nhiều loài sinh sống như ếch, nhái, rắn, xen kẽ với những loài nước mặn như tôm, ngán, sam…
Nằm ở phía cuối rừng ngập mặn này là Hang Dơi, đây là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Hiện tại Hang Dơi còn là nơi cư trú cho nhiều loài động vật như dái cá, cầy, cáo. Đặc biệt là loài khỉ xuất hiện khá nhiều, bao gồm giống khỉ ức trắng lông vàng sống tồn tại tự nhiên ở đây.
Lối vào Hang Dơi - Vườn Quốc gia Bái Tử Long
Đây còn là khu bảo tồn về cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn văn hóa lịch sử với các di chỉ khảo cổ như hang Soi Nhụ nơi phát hiện sự tồn tại của người Việt cổ cách đây khoảng 14 nghìn năm với dấu tích một thương cảng Vân Đồn sầm uất trước đây.
Nằm trong quần thể Vườn quốc gia Bái Tử Long có xã Minh Châu, nơi sở hữu bãi biển tự nhiên cát trắng mịn dài khoảng 2 km được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Vịnh Bắc Bộ. Phía trên bãi biển là khu rừng trâm nguyên sinh trải dài trên diện tích 14ha rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, Phan Thanh Nghị cho biết, Vườn quốc gia Bái Tử Long được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vinh danh là Vườn Di sản của ASEAN, vì vậy, nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ Vườn luôn đặt lên hàng đầu đối với tập thể cán bộ, nhân viên của Ban, đây còn là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch sinh thái gắn với khám phá thiên nhiên hoang dã.
Với giá trị về tài nguyên du lịch tự nhiên và sự đa dạng sinh thái mang tính đặc sắc của mình, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã và đang là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như đối với các nhà khoa học nghiên cứu đa dạng sinh thái về rừng và biển.
Năm 2019, Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển bền vững môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia Bái Tử Long rất cần sự quy hoạch phát triển mang tính lâu dài, bền vững của Quảng Ninh, cũng như sự tham gia chặt chẽ, toàn diện của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cũng như mỗi khách du lịch đến tham quan trong việc chung tay bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường và đa đạng sinh thái nơi đây.
Khánh Hòa