Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Tham dự hôi nghị có các ông, bà: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, huyện, thành, thị của tỉnh.
Năm 2022 vừa qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, phát triển toàn diện, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 3,53%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất được mùa ở tất cả các vụ; năng suất, sản lượng cây trồng tăng so với cùng kỳ; dịch bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi được kiểm soát tốt; cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng.
Hình thức tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh có 381 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 350 trang trại đạt tiêu chí. Trong đó, có 63 HTX, 92 trang trại quy mô lớn tham gia hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi với doanh nghiệp. Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2022 đã đánh giá công nhận và nâng hạng 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh cần phát huy sức mạnh tổng thể để thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn |
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đạt kế hoạch đề ra; có thêm 10 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 128 xã. Triển khai Nghị quyết số 22/202021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, năm 2022, đã thực hiện hỗ trợ gần 35 tỉ đồng cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình. Đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, trong năm 2022, ngành đã chỉ đạo lập và trình phê duyệt 10 dự án; triển khai thực hiện 28 công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn trình bày một số đề xuất của Ngành Nông nghiệp |
Năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất phát triển; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản. Toàn ngành xác định một số chỉ tiêu chủ yếu: Giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng 3,2% so với năm 2022; có thêm 7 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến hết năm 2023 có 201 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng ba sao trở lên…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thảo luận về công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của ngành NN&PTNN trong năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: Nông nghiệp luôn được xác định là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu: Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên hằng năm về phát triển cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai... Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; quan tâm các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản theo quy trình thống nhất.
Toàn cảnh hội nghị. |
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất từng loại sản phẩm, cây trồng vật nuôi; lưu ý không chỉ đạo triển khai đại trà mà lựa chọn những sản phẩm chủ lực, có lợi thế để nâng cao giá trị hàng hóa. Tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP; nghiên cứu xây dựng, khôi phục một số sản phẩm đặc thù, truyền thống có tiềm năng phát triển; tính toán phương án tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đề nghị: Các địa phương cần nghiên cứu tổ chức lại sản xuất đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đặt ra; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chú trọng công tác phòng chống thiên tai, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.