Ớt A Riêu ở vùng Đông Giang (Quảng Nam) có nguồn gốc từ con chim chào mào, A Riêu theo tiếng người Cơ Tu nghĩa là con chim chào mào. Khi theo dõi và tìm hiểu thì thấy những con chim chào mào ăn những trái ớt ở rừng, sau đó thải phân ra kèm hạt và mọc lên cây ớt này.
Ớt A Riêu có hình dáng, độ cay và hương vị thơm ngon rất đặc trưng, khác với các giống ớt trồng ở đồng bằng. Chính vì thế ớt A Riêu là sản phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, là đặc sản nối tiếng của huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam.
Vào những ngày cuối tháng tám, tháng chín, người đồng bào Cơ Tu ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang lại bắt đầu bận rộn để thu hái ớt A Riêu trên nương rẫy
So với những loài ớt truyền thống khác, ớt A Riêu có những ưu thế vượt trội: hương vị rất riêng thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng vừa phải rất quyến rũ, quả nhỏ không đã thèm cho một lần cắn khiến người ta muốn cắn đến quả thứ hai. Song giá trị còn nằm ở chỗ: ớt Ariêu vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Ớt con mọc lên từ những hạt do chim phát tán, trải qua những cơn nắng cháy da trên những đồi đất đỏ pha đá vôi, đâm chồi sau những cơn mưa chiều. Chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng A Sờ (giáp huyện Nam Giang) ớt mới cho mùi thơm độc và quả nhỏ li ti rất tinh khiết. Nếu cho ớt này một sự trù phú như những vùng phù sa thì sẽ mất đi giá trị vốn có của nó.
Từ một loại cây mọc hoang trong rừng, giờ đây ớt a riêu ở xã Ma Cooih (huyện Đông Giang) được nhiều người biết đến và trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương
Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Đông Giang đã ban hành Quyết định số 741 về phát triển cây ớt theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Ma Cooih nhằm phát triển cây ớt Ariêu đồng bộ, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc địa phương thoát nghèo bền vững. Do đó diện tích cây ớt Ariêu không ngừng được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Trần Quốc Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih, cho biết, trước đây HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih là tổ hợp tác sản xuất ớt ARiêu Đông Giang, gồm 14 thành viên. Từ khi các thành viên tổ hợp tác chuyển đổi một số diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng ớt thì đời sống người dân cải thiện đáng kể, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
“Từ năm 2015, thấy làm ăn hiệu quả, từ tổ hợp tác các thành viên đã thành lập HTX và lấy tên là HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih. Số thành viên hợp tác xã 40 người, trong đó có nhiều hộ tham gia trồng ớt ARiêu. Hiện toàn xã có 16ha ớt và hầu như nhà nào ở xã Mà Cooih cũng trồng ớt…” – ông Trí cho biết thêm.
Sản phẩm ớt A Riêu trên thị trường
Hiện nay, ớt Ariêu của HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hút 30 hộ tham gia với tổng diện tích trồng ớt khoảng 10ha trên địa bàn 7 thôn ở xã Ma Cooih.
Theo đó, để hạn chế cây ớt bị mắc các bệnh do côn trùng xâm hại, HTX đã xử lý theo phương pháp thủ công là rửa lá, không sử dụng thuốc trừ sâu và chỉ bón phân chuồng nên rất an toàn. Không chỉ vậy, HTX cũng áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt để tránh lãng phí, tiết kiệm nhân công và khắc phục tình trạng ớt ra trái ít vào mùa nắng nóng.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 12 nghìn hũ ớt muối, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam.
“Giá ớt Ariêu hiện nay đạt bình quân từ 200.000 – 250.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán cao hơn nhiều so với những giống ớt khác nhưng vẫn bán tốt vì ớt ARiêu được trồng sạch, không phun thuốc nên nhiều khách hàng rất ưa chuộng… Với diện tích hơn 1.500m2, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 22 triệu đồng”, chị Nhị phấn khởi.
Ông Phan Hữu Thành, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Đông Giang cho biết: Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ vốn xây dựng thương hiệu ớt ARiêu Đông Giang với diện tích trồng ớt hơn 5,2ha, chủ yếu ở các thôn A Bông, A Sờ, Azal… của xã Ma Cooih.
“Mô hình ớt Ariêu Đông Giang ở xã Ma cooih đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với trồng cây ngô, sắn,…, do đó huyện Đông Giang đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích sang các vùng lân cận như Kà Zăng và phấn đấu đến năm 2020 tăng lên 20ha để góp phần tăng thu nhập cho bà con dân tộc miền núi. Ớt ARiêu đã được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền và sẽ trở thành sản phẩm OCOP của huyện Đông Giang trong những năm tới…” - ông Thành nói.
Khánh Hòa