Dương Hồng Sơn - một 9X ở Tuyên Quang với trại nuôi ếch khủng, năm 2022 đã thu về hàng tỷ đồng. |
Trong năm 2022 xuất gần 20 tấn ếch thu về cả tỷ đồng
Hiện nay Dương Hồng Sơn đang sở hữu trại nuôi ếch thuộc hàng khủng ở phường An Tường (TP Tuyên Quang). Chỉ tính riêng vụ ếch năm 2022, Hồng Sơn thắng lớn, đã xuất gần 20 tấn ếch, thu về cả tỷ đồng.
Hồng Sơn cho biết, đến với nghề nuôi ếch cũng rất tình cờ. Để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, Sơn đã tìm hiểu về nghề nuôi ếch và được biết, từ năm 2001 – 2002, một số hộ ở Hà Nội phải nhập ếch Thái Lan về nuôi. Tuy nhiên, thị trường chăn nuôi ếch với số lượng lớn ở miền Bắc thiếu, chủ yếu nhiều ở miền Nam.
Đặc biệt, ở Tuyên Quang và Hà Giang hiện nay thì chưa có mà nhu cầu ếch để làm thực phẩm tại tỉnh ta và Hà Giang lại khá cao. Hầu hết, các nhà hàng đều phải đặt mua ếch ở xa về. Nắm bắt qua các thương lái thì trung bình họ có nhu cầu mua khoảng 60 tấn/ngày.
Dương Hồng Sơn kiểm tra ếch trong bể nuôi vỗ ếch bố mẹ. |
Đến Năm 2021, Sơn vay 200 triệu đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, chi nhánh Tuyên Quang để phát triển mô hình chăn nuôi ếch thương phẩm. Ban đầu, Sơn đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo 800m2 đất ruộng lầy thụt gia đình bỏ không đã lâu thành trại ương, nuôi ếch thương phẩm đầu tiên và lớn nhất tỉnh.
Sơn bỏ công vét bùn để làm ao, mua tre về bắc cầu, cắm cọc, chống dây thép để căng bạt lưới làm mái che, làm lều trông, thuê thợ làm giếng khoan. Đồng thời, chia toàn bộ diện tích ao thành 65 tráng, trong đó 40 tráng nuôi ếch thịt, 25 tráng nuôi con giống, mỗi tráng rộng 12 m2. Toàn bộ bên dưới tráng lót phao dày, phủ lưới sao cho phần lưới chìm dưới nước khoảng 4-5 cm để ếch giống nằm không bị đuối nước và ương nuôi. Số tiền còn lại Sơn để mua giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc phòng, ngừa bệnh cho ếch...
Tháng 4/2021, Sơn bắt đầu thả ếch thì đến giữa tháng 6 đã có thể xuất bán. Do ếch tăng trưởng nhanh, thời gian quay vòng nhanh, nên chỉ sau 4 tháng, Sơn đã trả hết vốn vay cho ngân hàng.
Dương Hồng Sơn thường kiểm tra kỹ lướng chất lượng ếch trước khi xuất bán để giữ uy tín với khách hàng. |
Trong khó khăn tìm ra bí quyết thu lợi nhuận từ nuôi ếch
Hồng Sơn nhớ lại trắc trở của năm đầu khởi nghiệp: Tháng 9-2021, đúng lúc đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất là lúc ếch đến thời gian xuất bán. Thương lái ở tỉnh khác không thể đến thu mua được vì phải hạn chế giao thương để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, Sơn phải kéo dài thời gian nuôi lên 4 tháng. Đồng nghĩa, mỗi ngày Sơn tốn thêm 1,5 tạ cám, tương đương 2,4 triệu đồng/ngày.
Hai vợ chồng Sơn ngày đêm lo lắng, bàn nhau cách làm sao để tiêu thụ ếch. Vợ Sơn đảm nhận nhiệm vụ giao bán lẻ trên trang facebook cá nhân và trong các hội, nhóm bán hàng trên mạng xã hội. Còn Sơn vừa quản lý trại ếch, chăm sóc ếch vừa có thêm nhiệm vụ làm thịt ếch theo nhu cầu của khách và đi giao hàng.
“Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, hai vợ chồng Sơn đồng lòng, cặm cụi chiều lòng từng đơn khách lẻ. Kết thúc vụ nuôi năm 2021, Sơn bảo vẫn thu lãi trên 40 triệu đồng.
Năm 2022, khi dịch bệnh đã tạm ổn định, Sơn bắt tay vào làm vụ ếch mới. Sau khi cho nhân giống và sàng lọc, Sơn nuôi 10 vạn con ếch giống, đồng thời, đầu tư thêm 1 ao giữ ếch con để tiến hành gối vụ. Năm 2022, Sơn nuôi 2 vụ, mỗi vụ cách nhau 1,5 tháng, lứa 1 bắt đầu nuôi từ ngày 8-6, lứa 2 nuôi từ 16-7.
Năm nay, giá ếch tăng. Các thương lái ở các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đến tận trại thu mua ếch, với giá 55 nghìn đồng/kg. Sơn khoe: “Năm nay, em thắng lớn, đã xuất buôn 18 tấn ếch, bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn, người dân được hơn 2 tấn ếch, thu hơn 1 tỷ đồng. Sau trừ chi phí em thu lãi trên 500 triệu đồng đấy!”.
Dương Hồng Sơn tháo nước, vệ sinh lại trại ếch để chuẩn bị cho vụ nuôi ếch 2023. |
Dương Hồng Sơn chia sẻ, nuôi ếch không yêu cầu quá nhiều về kỹ thuật, chỉ cần làm tốt khâu quản lý chất lượng nguồn nước, giống ổn định, cám ăn đảm bảo chất lượng thì đã thành công 70%. 30% còn lại, đòi hỏi người nuôi phải có đam mê và chịu khó quan sát, kịp thời phòng ngừa bệnh thì ếch sẽ khỏe mạnh, ít bị chết vì các bệnh như: đỏ đùi, các bệnh đường tiêu hóa... Với diện tích ao nuôi và mật độ ếch hiện tại, cứ 1,5 ngày Sơn thay nước 1 lần, thay khoảng 20-25% nước có trong ao, không để thức ăn cũ bị tồn đọng dễ gây ô nhiễm nước.
Sơn bảo, từ khi bắt tay nuôi ếch đã may mắn nhận được sự đồng hành của cả người thân và tổ chức đoàn. Vợ Sơn cũng là kỹ sư thủy sản nên có thể hỗ trợ em rất nhiều trong quá trình chăn nuôi ếch. Năm 2021, Đoàn phường An Tường đã kết nối giúp em đưa thịt ếch vào bán tại Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Tâm Hương và bán được 7 tạ ếch thịt. Mới đây, Sơn cũng đã được tổ chức Đoàn hướng dẫn để làm các thủ tục để đăng ký dự thi, viết hồ sơ dự thi Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên năm 2022” do Tỉnh đoàn dự kiến tổ chức vào tháng 11.
Dù mới 2 năm bắt tay nuôi ếch, Dương Hồng Sơn đã tự tin đây là con đường làm giàu. Hiện tại, trại ếch của Sơn tạo việc làm cho 4 lao động chính của địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu năm 2023 của Sơn là mở rộng số lượng nuôi ếch lên 32-34 vạn con, ước sản lượng đạt khoảng 55-60 tấn ếch. Sơn đã vận động được 4 hộ cùng tham gia phát triển mô hình, Sơn sẽ đứng ra hướng dẫn các hộ về kỹ thuật và lo đầu ra cho sản phẩm. Mô hình nuôi ếch này hiện đang được Đoàn phường An Tường tổ chức cho các đoàn viên đến tham quan, học tập và nhân rộng trong thời gian tới./.