Rắn ri voi hay còn được biết đến là rắn ri tượng, rắn bồng voi |
Rắn ri voi hay còn được biết đến là rắn ri tượng, rắn bồng voi chúng có tên khoa học là Subsessor Bocourti. Chúng cũng là loài rắn duy nhất trong chi Subsessor trong họ rắn ri, loài này được nuôi rất phổ biến để lấy thịt. Cùng với đó là giá trị kinh tế cũng như dinh dưỡng mà loài rắn này mang lại là rất lớn.
Rắn ri voi là một loài thuộc rắn có hình dáng tương đối giống với rắn nước, tuy nhiên chúng lớn hơn rắn nước. Một con rắn ri voi trưởng thành có thể nặng lên đến 7-8kg. Chúng có một thân hình phình to, chắc và dẻo. Thân của chúng có nhiều khoang mờ nối tiếp nhau, chúng thường có màu đen, nâu đỏ, nâu vàng và phần bụng thường có màu trắng nhạt.
Loài rắn ri voi khi trường thành có kích thước khá dài, có thể đạt từ 0.7-1m và cân nặng trung bình từ 1-1.5kg. Do đó, lượng thịt mà loài rắn ri voi mang lại là rất lớn. Vì thế loài rắn này được rất nhiều người lựa chọn để nuôi dưỡng và làm kinh tế rất hiệu quả.
Anh Lê Tấn Triều chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn ri voi với ĐVTN địa phương |
Anh Lê Tấn Triều, sinh năm 1987, Bí thư Chi đoàn Quân sự thị trấn Càng Long, huyện Càng Long đã khởi nghiệp với mô hình nuôi rắn ri voi để phát triển kinh tế gia đình.
Xuất thân từ một gia đình nông dân ở Khóm 10, thị trấn Càng Long, với thu nhập từ 3.000m² vườn tạp gia đình anh Triều chỉ đủ chi tiêu cuộc sống hàng ngày không thể phát triển kinh tế.
Anh Triều chia sẻ: tôi muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình với những mô hình mà địa phương chưa ai thực hiện. Qua tìm hiểu trên mạng internet, qua các kênh truyền thông tôi thấy có nhiều thanh niên thành công với những mô hình mới, lạ. Nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ thực hiện mô hình nuôi rắn ri voi. Thế là tôi bắt tay vào thực hiện mô hình từ năm 2021.
Ban đầu, do mới thử nghiệm mô hình nên anh Triều chỉ mua 26 con rắn lứa (120.000 đồng/con) của một nông dân ở xã Đại Phước, huyện Càng Long về nuôi trong bể xi măng, sau một thời gian chăm sóc thấy rắn phát triển tốt, dễ nuôi lại ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc so với một số con vật khác mà giá bán lại rất cao.
Anh Triều đã mạnh dạn mở rộng mô hình, anh mua thêm 100 con rắn con về nuôi. Kỹ thuật nuôi rắn ri voi khá dễ dàng, chỉ cần xây bể nuôi không cần mái che, vì khi có ánh sáng mặt trời rắn sẽ mau lớn và không bị bệnh. Có thể cho thêm lục bình hoặc một vài tấm ngói vào trong bể. Cách 03 - 04 ngày cho rắn ăn một lần và định kỳ thay nước thường xuyên để môi trường nước không bị ô nhiễm.
Anh Triều cho biết: rắn ri voi là loại dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều, chi phí thấp, chỉ bỏ công làm lời, lợi nhuận cao. Đây là mô hình thích hợp cho những đoàn viên thanh niên mới bắt đầu khởi nghiệp, lập nghiệp. Thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái, cá tạp nhưng anh chỉ chọn cá trê để làm thức ăn cho rắn.
Để đảm bảo nguồn thức cho rắn, anh Triều đã mua cá trê giống về nuôi trong vèo và vớt cho rắn ăn dần vừa đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn vừa giảm nhẹ chi phí. Trong quá trình nuôi, nếu cho ăn đầy đủ, môi trường nước không bị ô nhiễm, trung bình 01 năm có thể thu hoạch rắn thịt. Tuy nhiên, người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, biết chọn giống tốt, hồ nuôi được xây dựng chắc chắn, cho ăn đầy đủ… để rắn mau lớn, khỏe mạnh, ít hao hụt và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sau hơn 01 năm nuôi trong bể xi măng, rắn của anh Triều đạt trọng lượng từ 600 - 700g (đối với rắn đực), khoảng 01 - 1,2 kg (rắn cái) và cho thu hoạch. Trung bình cách 02 tháng anh Triều bán 05kg rắn thịt với giá 550.000 đồng/kg. Khi thu hoạch, anh Triều tuyển lại những con rắn lớn, khỏe mạnh để lại nuôi làm rắn giống sinh sản.
Theo anh Triều, kỹ thuật nuôi rắn sinh sản cũng không khó, rắn tự giao phối và sinh sản, mỗi con rắn cái có thể sinh sản khoảng 10 - 20 rắn con, sau đó vớt rắn con ra bể nuôi riêng, sau thời gian chăm sóc 01 tháng có thể bán với giá từ 80.000 - 120.000 đồng/con.
Hiện giá rắn ri voi thương phẩm được thương lái thu mua với giá 550.000 đồng/kg nhưng anh Triều không bán mà để lại nuôi sinh sản. Hiện tại anh có 53 con rắn giống sinh sản. Anh cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng mô hình, xây thêm nhiều bể để nuôi rắn ri voi sinh sản và bán rắn giống cho người dân địa phương.
Anh Võ Văn Á kiểm tra rắn ri voi trong giai đoạn sinh sản |
Anh Võ Văn Á (ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi rắn ri voi.
Năm 2014, từ nguồn vốn được LĐLĐ huyện Hồng Dân hỗ trợ, anh Võ Văn Á mua 50 con rắn ri voi giống về nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập. Dự định ban đầu của anh là nuôi rắn thịt để bán, nhưng sau khi thấy rắn có giá trị kinh tế cao nên anh mạnh dạn đầu tư nuôi rắn để sinh sản và bán rắn giống. Mỗi con rắn giống có giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng, mỗi năm anh xuất bán hơn 2.000 con rắn giống và rắn thịt, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Hiện anh có 8 hồ nuôi rắn với khoảng hơn 300 con giống. Chia sẻ về mô hình này, anh Á cho biết: “Rắn ri voi rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và hầu như không mắc bệnh. Cứ 7 - 10 ngày cho rắn ăn 1 lần, thay nước mỗi tuần/lần. Thức ăn cho rắn ri voi là các loại cá da trơn, chủ yếu là cá trê phi, đầu tôm cũng có thể làm thức ăn cho rắn được. Hiện tôi đang tính đến việc tự nuôi cá trê để chủ động nguồn thức ăn cho rắn”.
Điều đáng nói, anh Á còn lập kênh YouTube để đăng tải những video hướng dẫn cách nuôi loài rắn này, đặc biệt là trực tiếp hướng dẫn cho bạn bè nuôi mang lại thu nhập ổn định.
Mô hình nuôi rắn ri voi rất phù hợp với hộ nông dân ít vốn, ít đất. Tuy nhiên, người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, biết chọn giống tốt, hồ nuôi được xây dựng chắc chắn, cho ăn đầy đủ… để rắn khỏe mạnh, mau lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao.