Nghề nuôi rắn lao đao vì dịch Covid-19 Kinh ngạc với loại quả xù xì da rắn, nhìn phát sợ mà ăn ngon thấy mê Tuyệt kỹ săn con đặc sản rắn mối kiếm bộn tiền trong mùa nước nổi |
Người nuôi rắn đang gặp khó khăn vì giá giảm mạnh, không có người mua. |
Hộ anh Lê Văn Vẽ và chị Nguyễn Thị Chi ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đã đầu tư nuôi rắn hổ mang hàng hóa từ hơn 15 năm nay; có thời điểm nuôi trên 2.670 con rắn. Chị Nguyễn Thị Chi chia sẻ, những năm trước, rắn thương phẩm tiêu thụ rất tốt, mang lại thu nhập khá ổn định, có thời điểm giá bán rắn lên đến 1 triệu đồng/1kg. Nhờ nuôi rắn, gia đình chị có thu nhập khá và có thể tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng nuôi.
Nhưng 2 năm trở lại đây, rắn nuôi ra không bán được, nếu có bán được thì giá rất rẻ, chỉ 180 nghìn đồng/1kg; với giá bán như vậy thì người nuôi đang lỗ quá nhiều, nuôi thêm thì sẽ càng lỗ. Hiện nay, để duy trì đàn rắn hơn 1.000 con, gia đình chị Chi đang phải vay tiền ngân hàng để mua thức ăn cho đàn rắn, việc cho ăn cũng đã phải giãn cách từ 4 ngày một bữa lên 10 ngày 1 bữa vì quá tốn kém.
Rắn to chưa bán được nhưng hàng loạt rắn bé lại nở ra gây nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi. |
Tương tự, hộ anh Ngô Văn Quang ở thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai cũng có hơn 10 năm nuôi rắn hổ mang, với số lượng 460 con rắn nuôi thường xuyên. Anh Quang cho biết, gia đình tôi đã đầu tư hơn 250 triệu đồng cho việc xây chuồng trại và mua con giống. Những năm đầu, thấy rắn nuôi bán được giá cao nên tôi rất yên tâm với hướng đầu tư của mình.
Gần 3 năm trở lại đây, rắn không bán được, với 460 con, gia đình đã phải bán lỗ đi 260 con để giảm đàn, hiện nay, gia đình vẫn đang phải giữ lại nuôi 200 con vì bán không ai mua. Để duy trì đàn rắn 200 con còn lại, anh Quang đang phải vay hơn 100 triệu đồng từ ngân hàng và anh em họ hàng để mua thức ăn cho đàn rắn.
Anh Quang cho biết, giữa năm 2021, đàn rắn cái của gia đình đã đẻ trứng và nở được khoảng 600 rắn con, đúng vào thời điểm không bán được, gia đình cũng không thiết tha nuôi nữa. Anh đã báo cáo Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai đề nghị xử lý rắn con vì không thể nuôi nổi, trong lúc chưa có giải pháp của cơ quan chức năng, anh Quang đã tự hủy đàn rắn, bởi nếu thả ra môi trường thì đây là động vật rất nguy hiểm.
Theo tính toán của các hộ nuôi rắn, để nuôi một con rắn thương phẩm sẽ mất khoảng 3 năm, trong 3 năm đó một con rắn sẽ ăn hết hơn 15 kg mồi là các loại cóc, nhái, gà con, vịt con… Với giá mua cóc, nhái là 40 nghìn đồng/1 kg; gà con, vịt con là 25 nghìn đồng/1 kg, như vậy trong 3 năm người nuôi phải chi ít nhất 400 - 600 nghìn đồng cho 1 con rắn ăn, chưa kể công chăm sóc, trị bệnh... Và sau 3 năm, mỗi con rắn sẽ nặng từ 2,5 - 3 kg, với giá bán như hiện nay là 180 nghìn đồng/kg thì người nuôi đang chịu lỗ cả tiền ăn và công chăm sóc trong 3 năm liền. Một nghịch lý mà người nuôi rắn đang phải hứng chịu hiện nay đó là muốn bán hết rắn đi nhưng không có người mua, song càng nuôi lâu thì càng tốn kém và lỗ nặng hơn.
Người nuôi rắn lo lắng bởi nếu nuôi thêm thời gian sẽ bị đội chi phí lên nhiều. |
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 20 cơ sở và hộ gia đình tham gia nuôi rắn hổ mang, tổng số hơn 13.000 con rắn hổ mang. Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, theo quy định thì việc cấp phép cho hộ nuôi rắn cũng như một số loài động vật hoang dã thông thường là không bị hạn chế, pháp luật cũng khuyến khích nuôi nhốt vừa là để nhân giống, bảo tồn loài, vừa phát triển kinh tế tư nhân.
Mấy năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ rắn đang gặp nhiều khó khăn, đã có một số hộ, cơ sở nuôi rắn đưa ra đề xuất hiến lại số rắn nuôi để thả về tự nhiên vì không thể tiếp tục duy trì nuôi. Trước thực trạng này, lực lượng kiểm lâm cũng sẵn sàng làm các thủ tục tiếp nhận, xử lý theo quy định và chuyển cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên để chăm sóc, nghiên cứu tái thả phù hợp. Tuy nhiên, người nuôi cũng nên cân nhắc thật kỹ, bởi sau khó khăn tiêu thụ hiện nay thì trong thời gian tới có thể thị trường sẽ ổn định trở lại...
Nuôi rắn hổ mang thua lỗ, người nuôi như ngồi trên đồng lửa. Giá rắn giảm, khó tiêu thụ, người dân không cong vốn để duy trì. Con rắn một thời làm giàu trở thành gánh nặng “bỏ thì thương vương thì tội”. Bởi vậy, việc phát triển cây trồng, vật nuôi phải gắn với thị trường tiêu thụ mới là hướng phát triển bền vững./.