![]() |
Cá cóc còn gọi mỹ ngư là đặc sản miền Tây hiện đang được người dân ở nhiều địa phương nuôi thành công. |
Nuôi loài "mỹ ngư" bị săn lùng ráo riết
Cá cóc là một trong những loài cá quý hiếm trên sông Tiền và sông Hậu ở ĐBSCL. Cá cóc thuộc họ cá chép, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do thịt thơm ngon nên bị săn bắt ráo riết.
Dựa vào lợi thế sẵn có và điều kiện thuận lợi của địa phương, một số nông dân sống cặp sông Tiền thuộc khu vực 4 xã cù lao của huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) phát triển mô hình nuôi cá cóc trong lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo các chủ bè cá, để nuôi cá cóc đạt hiệu quả thì mật độ thả nuôi không quá dày (khoảng 100-200 con/bè), không sử dụng kháng sinh, nguồn nước khu vực bè nuôi phải sạch và xung quanh không có nhà máy.
Cá cóc nuôi bè sau 1 năm là cho thu hoạch, thông thường trọng lượng 1,2-1,5kg là có thể xuất bán. Song, có thể thả nuôi với thời gian dài, cá cóc sẽ đạt trọng lượng 7kg trở lên. Hiện giá bán tương đối cao (160.000 đ/kg), trừ chi phí người nuôi thu lãi hơn 30.000 đ/kg.
![]() |
Cá cóc nuôi trong lồng ở Vĩnh Long có con nặng tới 6kg. |
Cá cóc thuộc họ cá chép Cyprinidae, cá cóc có tên khoa học Cyclocheilichthys enoplos. Những ngư dân giàu kinh nghiệm ở Vĩnh Long cho biết cá cóc thường sống theo đàn. Sau mùa nước nổi ở miền Tây, cá cóc mẹ sẽ bơi ngược về Biển Hồ đẻ trứng. Thời điểm đó bắt cá dễ nhất, bằng cách thả lưới chìm, giăng câu tận đáy sông…
Cá cóc cũng có tên gọi khác là “Mỹ ngư” bởi dáng vẻ đẹp đẽ của nó. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ giải thích sở dĩ có tên cá cóc là do đọc trại ra từ cách đặt tên cá của người Campuchia chứ loài cá này không liên quan gì đến “cậu ông trời” cả.
Cá cóc tự nhiên ngày càng vắng bóng
Cá cóc là món ăn đặc trưng của người dân miền Tây sông nước, có thể chế biến ra nhiều món ăn thơm ngon, nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, thị trường tiêu thụ cá cóc đặc sản chủ yếu là ở các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...
Món cá cóc kho nước dừa ăn với xoài sống bằm nhuyễn và món đầu cá cóc nấu canh chua có mặt trong một vài quán ăn ở TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã vang danh khắp nơi. Nhưng hiện nay thực khách nào may mắn mới được thưởng thức món cá đặc sắc này, bởi con cá cóc đang ngày càng vắng bóng.
![]() |
Cá cóc ngời tự nhiên rất hiếm vì bị săn bắt tận diệt. |
Tuy nhiên, do nguồn cung ngày càng hiếm nên món cá cóc ở quán này bữa có, bữa không. Món ngon không dành cho thực khách chậm chân, muốn chắc ăn phải đặt trước.
Theo các chủ nhà hàng, với cá cóc phải chọn con cỡ 3kg trở lên mới ngon vì đây là loài cá nhiều xương, cá nhỏ, xương nhỏ ăn không quan sát kỹ dễ bị hóc xương. Các chủ quán cũng tiết lộ, trước đây muốn tìm nguồn cá cóc thì phải đặt hàng những thợ câu thả lưới ở khu vực gần cầu Mỹ Thuận, vì cá cóc là loại cá ăn ngầm sát đáy sông, thích sống ở những nơi vực sâu, nước chảy xiết, có nhiều gốc cây chìm, trụ cầu…
![]() |
Các cóc được chế biến thành nhiều món đặc sản trong nhà hàng. |
Để bắt được chúng, có 2 cách bắt phổ biến là giăng câu ngầm và thả lưới. Câu ngầm thì lưỡi câu móc vào đuôi một con tép lóng còn sống thả sát đáy sông vào lúc nước sắp đứng lớn để con mồi bơi lội tung tăng cũng là lúc cá cóc rời gốc cây, trụ cầu bơi ra tìm mồi.
Do cá có tự nhiên ngày càng khan hiếm nên các nhà hàng lựa chọn cá cóc nuôi lồng trên sông. Vì nuôi cá cóc trong môi trường tự nhiên nên cá vẫn giữ được chất lượng thơm ngon. Đặc biệt là nhà hàng có thể chiều thực khách khó tính muốn thưởng thức những con cá cóc trọng lượng lớn. Nhờ nhu cầu tăng cao nên người nuôi cá cóc lồng bè ở Vĩnh Long cũng yên tâm đầu ra, có thu nhập ổn định./.