![]() |
Anh Đào Phước Xoàn và mô hình nuôi cua biển tuần hoàn trong thùng nhựa |
Anh Đào Phước Xoàn, giáo viên Trường tiểu học An Thạnh, ngụ tại ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) là người tiên phong "vỗ béo" cua biển không phải từ ao đất mà trong những chiếc thùng nhựa.
Anh cải tiến kỹ thuật nuôi trong thùng nhựa. Mỗi thùng nhựa đều có van khóa, giúp chủ động cho nước vào, tháo nước ra từng thùng. Nguồn nước đưa vào phải sạch, đã được diệt khuẩn để phòng dịch lây lan bệnh từ thùng này sang thùng khác.
Ban đầu anh Xoàn lấy nước biển gần bờ, độ mặn dưới 5 gam/lít nhưng lại cho màu cua không được đẹp lắm. Rồi anh thử nghiệm trữ nước biển lấy cách xa bờ hơn, độ mặn từ 10-15 gam/lít. Nước đưa vào nuôi có độ pH từ 7,5-8. Nước trong thùng nuôi cứ 15 ngày sẽ diệt khuẩn một lần. Kết hợp dùng hợp chất khoáng nuôi tôm, cung cấp canxi cho cua chắc vỏ, cứ 10 ngày cấp khoáng cho cua một lần. Hoặc khi không sử dụng chất khoáng nuôi tôm, anh ngâm nước vôi và lọc trước khi cho vào các thùng nuôi tôm.
Lúc đầu, anh nuôi cua ốp thành cua chắc nhưng quy trình này không cho lời nhiều. Vậy là anh Xoàn chuyển qua nuôi cua chắc thành cua hai da (cua sắp lột) vì loại này rất hiếm khi bắt được trong môi trường thiên nhiên. Anh chọn mua cua loại 4 con/kg làm con giống, mỗi thùng chỉ thả nuôi 4 con.
25m2 của gian nhà sau, anh đặt được 60 thùng, thả nuôi 240 con. Với giá cua giống hiện tại 130.000 đồng/kg, sau một tháng rưỡi nuôi sẽ cho ra thành phẩm là cua hai da đạt 1,2 - 1,3kg/con, giá bán khoảng 300.000 đồng/kg. Nên nếu gia đình có nhà tương đối, nuôi vài trăm thùng cùng lúc, sau khi trừ chi phí số tiền lãi sẽ khá lớn.
"Ông giáo" trẻ nói về cách nhận biết cua hai da như một chuyên gia. Đó là con cua mà vỏ có những vết nứt bên hông hoặc bỏ ăn hai ba hôm, cua sẽ được quấn vải, cho vào tủ đông để... cua ngủ. Chất lượng thịt vẫn đảm bảo ngon như cua hai da mới bắt được từ môi trường thiên nhiên.
Ngoài nuôi cua chắc thành cua hai da, anh Xoàn còn thành công với việc nuôi cua chắc thành cua gạch. Thường nuôi từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch cua sẽ tạo gạch, trung bình giá trên 500.000 đồng/kg, có lúc lên đến 900.000 đồng/kg.
Anh Xoàn chia sẻ kinh nghiệm: "Cua biển thích yên tĩnh, ít bò, chỉ nằm một chỗ và không cắn nhau nên khi chọn con giống cần lựa cùng cỡ, cua sẽ không giành mồi cắn nhau". Sau 1 năm thử nghiệm, anh bước đầu thành công với việc nuôi cua biển trong thùng nhựa.
![]() |
Chị Trần Thị Chinh, Khóm 7, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) làm nghề nuôi vỗ cua mẹ gần 15 năm |
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) đã thực hiện thành công mô hình nuôi vỗ cua mẹ (hay còn gọi là sản xuất cua mẹ ốp trứng), mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những hộ có thâm niên làm nghề nuôi vỗ cua mẹ tại địa phương, chị Trần Thị Chinh, Khóm 7, thị trấn Năm Căn, cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này gần 15 năm, nói chung làm cũng dễ. Trung bình mỗi tháng xuất bán từ 200 con cua mẹ.
Hiện nay, giá mỗi con cua mẹ bán ra từ 1,5 triệu đồng trở lên (tuỳ thời điểm). Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình tôi thu lãi trên 50 triệu đồng”.
Nghề nuôi vỗ cua mẹ không cần diện tích lớn, chỉ cần đầu tư những chiếc thùng vừa phải để con cua phát triển.
Khâu khó nhất đối với nghề này là người nuôi phải thật tỉ mỉ trong chọn con giống và chăm sóc. Cụ thể, khi mua cua mẹ, cần phải chọn những con có trọng lượng từ 450-600 g, đầy gạch và cua không quá già. Sau khi chọn được con giống, người nuôi sẽ tiến hành vệ sinh, cắt 1 mắt trái của cua, cho vào thùng chứa và chạy ô-xy 24/24 giờ.
Thức ăn của cua cũng khá đơn giản, có thể tận dụng cá loại cá tạp, ốc… có sẵn ở địa phương. Sau thời gian chăm sóc từ 10-20 ngày, cua bắt đầu lên trứng và có thể bán nguyên con cho các trại sản xuất cua giống trên địa bàn và các địa phương lân cận.
Theo anh Nguyễn Văn Niêm, Khóm 5, thị trấn Năm Căn: “Nuôi vỗ cua mẹ là mô hình đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần người nuôi tỉ mỉ trong khâu chăm sóc cua mẹ thì tỷ lệ thành công rất cao.
Ðặc biệt, nhu cầu thị trường lớn, nếu sản phẩm cua mẹ đạt chất lượng tốt có thể xuất bán cho các khu vực khác trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng”.
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn huyện Năm Căn có khoảng 20 hộ thực hiện mô hình nuôi vỗ cua mẹ, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Năm Căn với khoảng 15 hộ nuôi.
Trước đây, nghề nuôi vỗ cua mẹ trên địa bàn huyện chủ yếu theo hình thức tự phát, hiện nay do nhu cầu thị trường cua giống tăng cao nên nghề nuôi vỗ cua mẹ được nhiều hộ nuôi đầu tư, phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định.