Cúm A bùng phát, thuốc Tamiflu "khan hàng" gây nên tình trạng loạn giá Bệnh cúm ảnh hưởng tới mẹ bầu và thai nhi như thế nào? Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm |
![]() |
Nhiều ca mắc cúm phải nhập viện, có những ca chuyển nặng. |
Ca nhập viện do cúm có xu hướng gia tăng, nhiều ca chuyển nặng
Gần đây, các bệnh viện khu vực phía Bắc ghi nhận số ca nhập viện do cúm A có xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn mùa đông - xuân hiện nay là thời điểm thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Số ca cúm tăng cao tại các bệnh viện lớn có thể liên quan đến việc di chuyển nhiều và thay đổi điều kiện sinh hoạt trong dịp Tết vừa qua.
Đáng lo ngại, nhiều ca cúm nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng. Như tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi đây hiện đang điều trị cho 6 ca nhiễm cúm A nặng và rất nặng từ các tuyến chuyển lên. Trường hợp nặng nhất bệnh nhân phải can thiệp ECMO - tim phổi ngoài lồng ngực do cúm A biến chứng dẫn đến phổi bị tổn thương lan toả 2 bên. Dù đã được điều trị tích cực, thở máy và hết sốt, nhưng sau 3 ngày, bệnh nhân lại sốt cao trở lại, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm trùng và suy hô hấp nghiêm trọng.
Bên cạnh người cao tuổi và người có bệnh nền, trẻ nhỏ mắc cúm cũng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 ca mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có biến chứng phải nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, Bệnh viện đã tiếp nhận một số trẻ bị biến chứng viêm não do cúm, như hiện tại là một bệnh nhi 12 tuổi, tiền sử khỏe mạnh nhưng mắc cúm và biến chứng thành viêm não. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bệnh nhi mắc cúm nặng cũng đang được điều trị, một số gặp biến chứng viêm phổi, viêm não, phải thở máy và nằm viện kéo dài.
Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm cho biết trong năm 2024 và tính đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hàng ngàn ca bệnh cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy. Trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng.
Đánh giá về những trường hợp diễn biến nặng sau mắc cúm, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm như tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, những người có bệnh nền, người cao tuổi và những người suy giảm miễn dịch cần đặc biệt thận trọng khi nhiễm cúm. Ngoài ra, còn nhiều người vẫn chủ quan, cho rằng cúm chỉ là bệnh nhẹ nên không đi khám sớm. Đến khi bệnh trở nặng mới nhập viện thì đã trong tình trạng nghiêm trọng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.
Trang bị kiến thức về cúm để bảo vệ sức khỏe bản thân
PGS.TS Đỗ Duy Cường, cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) thì là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở,... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.
Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện.
"Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao"-PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
![]() |
Những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền,... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh. |
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh.
Bên cạnh biện pháp vaccine, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cũng cần chú trọng đến các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay và vệ sinh mũi họng hằng ngày. Mỗi người cũng nên giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, với người mắc bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự mua thuốc điều trị hay điều trị bằng mẹo dân gian vì điều này có thể khiến bệnh trở nặng.
Chủ động tiêm vaccine phòng cúm
Trong văn bản của Bộ Y tế gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp...
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...
![]() |
Trang bị kiến thức về cúm để bảo vệ sức khỏe bản thân |
Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Khuyến khích người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm; tiêm vaccine có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.
Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì virus cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị dạng thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vaccine cúm.